Theo dữ liệu của Bloomberg, hơn 10 tỷ USD đã được rút ra khỏi quỹ giao dịch trao đổi vàng lớn nhất trong năm nay và lượng vàng tích trữ của các quỹ cũng bị giảm xuống.
Trong khi đó, Bitcoin đã tăng giá gấp đôi lên mức cao kỷ lục hơn 67.000 USD. Một số nhà đầu tư đã bắt đầu xem các loại tiền điện tử như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Từ lâu, vàng đã được quảng bá như một biện pháp chống lại sự suy giảm sức mua của các loại tiền tệ. Thông thường, nhu cầu hàng hoá tăng nhanh, chuỗi cung ứng hàng hóa bị tắc nghẽn và sự kích thích tiền tệ của các ngân hàng Trung ương kiến thị trường vàng bùng nổ. Tuy nhiên hiện nay, các nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi khác để bảo vệ tài sản của mình.
Xu hướng xem bitcoin như một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư cho thấy tiền điện tử thực sự được coi là một hàng rào chống lại lạm phát.
Theo Nghiên cứu tài sản kỹ thuật số của Fidelity, với sự khảo sát 1.100 nhà đầu tư chuyên nghiệp, Bitcoin mặc dù thiếu mối tương quan chặt chẽ với các loại tài sản khác nhưng có tiềm năng trú ẩn an toàn.
Hơn một nửa số quỹ đầu cơ được khảo sát ở châu Âu và Mỹ cho biết lạm phát gia tăng là động lực chính thu hút họ đầu tư vào tài sản kỹ thuật số. Gần 8/10 nhà đầu tư được khảo sát nói rằng tiền điện tử có một vị trí trong danh mục đầu tư.
Các nhà phân tích tại JPMorgan cho thấy các tổ chức đầu tư dường như đang quay trở lại với Bitcoin, có lẽ họ "coi nó như một biện pháp tốt hơn vàng".
Bitcoin chính thức ra mắt vào năm 2009, trong khi vàng đã được giao dịch trong nhiều thiên niên kỷ. Những người ủng hộ tiền điện tử cho rằng tiện ích chống lại lạm phát đến từ thiết kế của nó, giới hạn số lượng tiền kỹ thuật số tối đa là 21 triệu đơn vị. Điều này trái ngược với các biện pháp in tiền mà các ngân hàng trung ương đã thực hiện để đối phó với đại dịch.
Phương Danh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị