Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 8-11, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết Bộ này đang triển khai các phương án tổ chức, sắp xếp lại 5 Tổng cục gồm: Khí tượng thuỷ văn, Quản lý đất đai, Địa chất và Khoáng sản, Môi trường, Biển và Hải đảo Việt Nam.
“Việc sắp xếp lại bộ máy là xu thế chung, cần thiết nhằm cắt giảm các “nấc thang hành chính” để bộ máy tinh gọn hơn” - Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Hà, việc xắp xếp lại các tổng cục thuộc bộ này sẽ tuân thủ theo các tiêu chí đã được ban hành. Cụ thể, đối với hệ thống tổ chức theo ngành dọc, thông suốt từ trung ương xuống địa phương thì đủ điều kiện, mang tính chất đầy đủ chức năng của một Tổng cục. Đối với Tổng cục đã phân cấp nhiều việc cho địa phương thì sẽ xem xét chuyển thành Cục.
Bộ trưởng TN&MT cho hay thực tế mỗi Tổng cục hiện nay đang quản lý rất nhiều lĩnh vực, với nhiều Cục, Vụ khác nhau. Các đơn vị này có chức năng nhiệm vụ độc lập và không trộn lẫn với nhau.
“Việc tổ chức sắp xếp lại sẽ tuân thủ nguyên tắc, một nhiệm vụ chỉ một đơn vị phụ trách. Sau khi sắp xếp lại, các đơn vị này sẽ trực thuộc Bộ luôn, tức là chỉ có một cấp. Còn trước đây, trong Tổng cục có Cục và trong Cục có phòng. Làm như vậy chúng ta sẽ giải quyết được khâu tầng nấc hành chính”, ông nói.
Theo đó, Bộ TN&MT dự kiến giữ lại hai Tổng cục và tái cấu trúc lại ba Tổng cục. Hai Tổng cục được dự kiến giữ lại là: Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn và Tổng cục Quản lý đất đai. Ba Tổng cục thực hiện tái cấu trúc là: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
“Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn có hệ thống xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương, là một ngành dọc chứ không có ở địa phương. Còn với Tổng cục Quản lý đất đai cũng cần phải thống nhất quản lý theo định hướng Nghị quyết 19 là phân cấp hợp lý giữa trung ương với địa phương để quản lý, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai” - Bộ trưởng TN&MT lý giải.