Khảo sát 1.853 doanh nghiệp du lịch của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress tiến hành trong tháng 8/2021 cho biết, 96% phải ngừng hoạt động. So với kết quả khảo sát chung, tỷ lệ doanh nghiệp du lịch duy trì được hoạt động chỉ bằng một phần tư so với các ngành kinh tế khác.
Ở nhóm còn hoạt động, 67% mất nửa doanh thu. Ở nhóm dừng hoạt động, 85% cũng bị giảm hơn nửa doanh thu. 54% doanh nghiệp được hỏi nói rằng họ không thể tính toán được phải đóng cửa trong bao lâu.
Khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải là chi trả tiền lương cho người lao động. Cùng với đó, các chi phí như trả lãi vay ngân hàng, mặt bằng, điện nước, đóng các khoản bảo hiểm.
Trong các doanh nghiệp còn hoạt động, 22,4% còn dòng tiền duy trì chưa tới một tháng. Với nhóm đang tạm dừng, gần một nửa chỉ còn tiền duy trì được ít hơn một tháng. Để xoay xở, đa số chọn giảm chi phí bằng cách cắt bớt lao động, tiền lương, tổ chức lại mô hình kinh doanh.
Ban IV đánh giá, Covid-19 bùng phát đã gây thiệt hại nặng nề với ngành du lịch, làm chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình ấn tượng (trên 22,7% mỗi năm về lượng khách quốc tế, 10,5% về lượng khách nội địa, 20,9% về giá trị xuất khẩu tại chỗ của du lịch) và 9,2 điểm phần trăm mức đóng góp trực tiếp cho GDP. Kết quả, hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.
Báo cáo mới công bố của HSBC nhận định, ngành du lịch Việt Nam bắt đầu "rã đông". Tín hiệu này xuất phát từ việc Việt Nam sẽ mở cửa 5 địa điểm đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Quảng Ninh từ tháng 11. Trong đó, đảo Phú Quốc được chọn làm nơi thí điểm mở cửa từ 20/11 đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ thông qua các chuyến bay thuê bao.
Nhóm chuyên gia của nhà băng này nhận định, kế hoạch này không thực sự tham vọng như các quốc gia láng giềng, nhưng cũng sẽ mang lại tác động không nhỏ lên lên nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động đang lao đao và thặng dư tài khoản vãng lai đang bị thu hẹp.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng, phục hồi ngành du lịch thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên, tỷ lệ tiêm phòng toàn quốc còn thấp và tình hình dịch bệnh vẫn có thể tạo ra tâm lý e ngại. Kế đến, sự thiếu vắng khách Trung Quốc, từng chiếm một phần ba tổng lượt khách đến Việt Nam, cũng cho thấy khả năng tăng trưởng trong tương lai gần có thể không xảy ra. Cuối cùng, về triển khai thực tiễn, cần thêm nhiều nỗ lực để nối lại các chuyến bay quốc tế.
Để mở cửa ngành du lịch dựa theo kinh nghiệm quốc tế, Ban IV đưa ra 4 đề xuất với chính phủ. Thứ nhất, xem xét giải pháp "thiết kế một chương trình vay vốn trung và dài hạn trong khuôn khổ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 dành riêng cho các doanh nghiệp khách sạn, hàng không, du lịch và dịch vụ du lịch", vì trong hơn một năm rưỡi bị đóng băng hoạt động do dịch vừa qua, bài toán dòng tiền là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp lĩnh vực này.
Thứ hai, cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch gắn với quá trình và mức độ phục hồi, tập trung vào các biện pháp như: giảm chi phí nhiên liệu, điện, nước cho hoạt động; giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; hoãn nộp các khoản thuế, phí với thời gian cho phép từ 12-18 tháng hoặc dài hơn; hoãn đóng và giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội; giảm tiền thuê đất của nhà nước.
Thứ ba, tới đây các doanh nghiệp phải tập trung tuyển dụng lại nên Ban IV đề xuất bỏ các yêu cầu, giấy tờ chứng minh mức độ thiệt hại hoặc mức độ cắt giảm lao động của doanh nghiệp, hoặc giấy tờ chứng minh "không đủ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng lao động" vì toàn ngành du lịch đã và đang là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất trong mọi nghiên cứu. Cùng với đó, Ban IV đề xuất xem xét hỗ trợ trực tiếp tiền đào tạo cho doanh nghiệp.
Thứ tư, đề xuất Thủ tướng chủ trì thảo luận, đối thoại, bàn thảo quanh chiến lược, lộ trình mở cửa du lịch Việt Nam. Căn cứ vào đó, xác lập và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, địa phương liên quan, và cả khu vực doanh nghiệp để tiến trình mở cửa diễn ra khả thi, an toàn, hiệu quả.
Viễn Thông