Về nội địa, Fed cảnh báo về một “đợt tăng mạnh” lãi suất có thể dẫn đến điều chỉnh “lớn” trong tài sản rủi ro, giảm lực cầu nhà ở - dẫn đến giá nhà ở đi xuống. Việc làm và đầu tư cũng có nguy cơ bị tác động vì chi phí đi vay đối với doanh nghiệp tăng.
Một khu nhà ở chưa hoàn thiện của Evergrande tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Ngân hàng trung ương Mỹ lo ngại về Trung Quốc bởi “nợ chính phủ và doanh nghiệp của nước này vẫn lớn, đòn bẩy trong lĩnh vực tài chính cao, đặc biệt là nhóm ngân hàng nhỏ và vừa, và định giá bất động sản quá cao”.
“Trong môi trường này, việc nhà chức trách tăng quản lý đến các tổ chức dùng đòn bẩy có thể gây áp lực lên một số doanh nghiệp tỷ lệ vay nợ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, như trường hợp của Evergrande gần đây”.
Theo Fed, hệ thống tài chính Trung Quốc có thể chịu áp lực nếu “ảnh hưởng lan sang lĩnh vực tài chính, một đợt điều chỉnh bất ngờ giá bất động sản hoặc giảm khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư”.
Cảnh báo trên được đưa ra gần hai tháng sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell mô tả vụ Evergrande là “rất đặc thù” với Trung Quốc. Ông không nhận thấy nhiều “ảnh hưởng trực tiếp đến Mỹ” nhưng lo ngại vụ Evergrande có ảnh hưởng lan rộng đến điều kiện tài chính toàn cầu và niềm tin nhà đầu tư.
Fed lưu ý các thị trường mới nổi có vay nợ nhiều cũng có thể tạo ra rủi ro bất ổn tài chính, đặc biệt là trong tình huống các điều kiện tài chính thắt chặt “mạnh và bất ngờ”. Điều kiện tài chính đã được nới lỏng kỷ lục để hỗ trợ các nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19.
“Có một khái niệm về sự tương quan trong báo cáo”, Padhraic Garvey, giám đốc nghiên cứu khu vực Mỹ tại ING, cho biết. “Lo ngại là nếu một thứ gặp vấn đề, phần còn lại có thể chung số phận”.
Xem thêm: nhc.6403853190111202-ym-ned-couq-gnurt-sdb-gnourt-iht-ut-gnouh-hna-oab-hnac-def/nv.fefac