Vừa qua, doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Xuân Trường – do doanh nhân Nguyễn Xuân Trường đứng đầu đề xuất xây dựng hồ Thanh Long (Hải Dương) thành khu du lịch lịch sử, văn hoá, tâm linh, sinh thái nhận được nhiều sự quan tâm.
Toàn bộ khu vực nghiên cứu quy hoạch Dự án hồ Thanh Long có tổng diện tích với khoảng 1.502 ha được đề xuất xây dựng, tôn tạo tháp thờ phật, tháp chuông… với tâm điểm là 3 ngọn tháp ở hồ Tam Tôn, nối với nhau bằng hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ.
Trên các đảo nổi trong lòng hồ, tôn tạo xây dựng chùa Thanh Long thành ngôi chùa lớn để thu hút khách du lịch. Khi công trình được đưa vào sử dụng sẽ cải tạo mỹ quan khu vực, đặc biệt là điểm kết nối, làm nổi bật khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc.
Đồng thời với đề xuất này, doanh nghiệp của ông Nguyễn Xuân Trường cũng đưa cam kết sẽ đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với thời gian 10 năm vào dự án tại TP Chí Linh.
Doanh nhân Nguyễn Văn Trường. (Nguồn ảnh: Báo Hải Dương)
Đại gia Xuân Trường là ai?
Đại gia Xuân Trường tên thật là Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình. Ông Trường là một doanh nhân nổi tiếng, nằm trong nhóm doanh nhân đạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" và Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Trường là Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Xuân Trường. Ngoài ra, ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, giám đốc khách sạn Hoa Lư. Ông Trường còn tham gia vào nhiều hoạt động của giới doanh nhân khác như: ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khóa V.
Không chỉ dự án vừa đề xuất tại Hải Dương, đại gia Nguyễn Văn Trường còn được biết đến với hàng loạt dự án tâm linh "khủng" nằm rải rác ở Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nội và Hải Phòng.
Đầu tiên, phải nhắc tới dự án Tràng An - Bái Đính được Xuân Trường mạnh tay chi tới 15.000 tỷ đồng và xây dựng thành một ngôi chùa lớn hàng đầu châu Á. Trong đó ấn tượng nhất là 9 kỷ lục lớn nhỏ về khuôn viên, tượng phật, bảo tháp, giếng ngọc hay số lượng tượng la hán.
Năm 2010 chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ đón xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam. Xuân Trường đã bỏ ra số tiền 100.000 USD, đích thân sang Ấn Độ để đón xá lợi về Việt Nam. Ở sân bay Nội Bài ông đã sắp xếp thuế 3 chiếc xe Limousine, Hummer, Lincol để chở xá lợi và các cao tăng về Ninh Bình.
Đến năm 2014 thì quần thể này đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép.
Dàn xe đón xá lợi của ông chủ Xuân Trường cách đây hơn chục năm. (Ảnh: Dân trí)
Sau khi đưa Tràng An – Bái Đính trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, đại gia Nguyễn Văn Trường lại lập tức bắt tay triển khai Dự án khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc với diện tích lên tới 5.000 ha, trong đó vùng lõi là 4.000 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.
Ngay trong quần thể chùa Tam Chúc có một ngôi đền tên Tứ Ân thờ "Cư sĩ Diệu Liên", tức bà Phạm Thị Lan, người vợ quá cố của đại gia Xuân Trường.
Chùa Tam Chúc Hà Nam.
Về tầm nhìn dài hạn, vị đại gia từng chia sẻ đề án "con đường tâm linh" sẽ kết nối 10 di sản, gồm: Cổng Tam Quan, chùa Vàng, khu quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Hoa Lư - động Am Tiêm, khu tâm linh chùa Bái Đính, khu bảo tồn ngập nước Vân Long, chùa Tam Chúc, chùa Hương, chùa Quan Sơn, di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long.
"Ở Việt Nam, chúng ta có nhiều địa danh, thắng cảnh được UNESCO xếp hạng nhưng lại chưa có con đường tâm linh nào kết nối các địa danh đó với nhau. Ý tưởng của tôi là xây dựng sơ đồ con đường tâm linh kết nối di sản", Dân Việt dẫn lời vị đại gia.
CUỘC SỐNG KÍN TIẾNG
Ông Trường là doanh nhân nổi tiếng nhưng kín tiếng, hiếm hoi các bài phỏng vấn trên truyền thông và cũng không có nhiều hình ảnh riêng. Các thông tin về ông khá ít ỏi, chủ yếu kể về thời gian rất lâu trước đây khi ông làm công trình chùa Bái Đính.
Ông Trường là người ăn chay trường, sống giản dị. Thời gian làm công trình Bái Đính, ông thường ăn chay tại nhà ăn ở đây.
Niềm vui lớn nhất không chỉ là các công trình văn hoá, di sản thành hình mà theo ông Trường còn là sinh kế của những người dân, từ chèo đò, bán hàng, chụp ảnh,... những thứ việc đó thu nhập gấp 10 lần so với trồng lúa.
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trao tặng thiết bị y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. (Nguồn ảnh: báo Ninh Bình)
Mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi của mặt trận tổ quốc Việt Nam về việc toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid 19, doanh nghiệp Xuân Trường cũng đã ủng hộ số tiền lên tới 112 tỷ đồng, trao nhiều thiết bị y tế cho tuyến đầu chống dịch hay mua vaccine Covid-19 cho tỉnh nhà.
Theo ông Trường, đây là việc cần thiết để đồng hành cùng chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch .
(Tổng hợp)