Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) mới đây đã thông báo về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán (TKGD) của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại ngày 31/10/2021.
Cụ thể, tổng số tài khoản giao dịch trong nước đạt 3.823.304 tài khoản, trong đó gồm nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 99,6% số lượng tài khoản tương ứng 3,81 triệu tài khoản, số lượng nhà đầu tư tổ chức chỉ đạt 12.572 tài khoản. Tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 38.707 tài khoản, trong đó, nhà đầu tư cá nhân là 34.603 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức đạt 4.104 tài khoản.
Như vậy, tháng 10 năm nay số lượng tài khoản mở mới đạt 129.751 tài khoản, 10 tháng đầu năm đạt 1,086 triệu tài khoản. Bình quân mỗi tháng thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận hơn 108.600 tài khoản mới gia nhập. Sự bùng nổ gia nhập thị trường này bằng cả 4 năm trước đó cộng lại.
Trước đó, số tài khoản chứng khoán gia nhập mỗi năm rất hạn chế, ngay cả trong con sóng lớn 2017-2018, số tài khoản chứng khoán mở mới giao dịch cũng chỉ ở mức hơn 200.000 tài khoản mỗi năm.
Số tài khoản mở mới đột biến trong 10 tháng năm 2021, bình quân mỗi tháng 108.000 tài khoản gia nhập thị trường chứng khoán Việt.
Đây là sự bùng nổ tạo ra một làn sóng mạnh chưa từng có trong lịch sử phát triển của chứng khoán Việt Nam 20 năm qua. Theo nhiều chuyên gia tài chính, nếu tốc độ tham gia thị trường của người dân được giữ vững thì mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán của Chính phủ sẽ sớm đạt được.
Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án Cơ cấu lại Thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025 mới đây đã đưa ra mục tiêu quy mô của thị trường chứng khoán đạt 120% GDP vào năm 2025. Mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt 5% vào năm 2025. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Đến năm 2025, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6. Trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.
Mục tiêu chung của Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Dù số lượng nhà đầu tư cá nhân gia tăng mạnh mẽ trong năm nay, song so với quy mô dân số hiện khoảng 97,3 triệu người, thì tỷ lệ người dân đầu tư chứng khoán mới ở mức 3,9% so với tổng dân số. Con số rất khiêm tốn so với số tài khoản/dân số của các thị trường khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc chứ chưa nói đến nhưng "trung tâm tài chính" như Singapore hay Hongkong.
Hàn Quốc năm qua cũng chứng kiến sự bùng nổ gia nhập lớn từ đội ngũ những người trẻ, nhà đầu tư cá nhân. Báo cáo của Cơ quan kiểm soát chứng khoán Hàn Quốc (KSD) cho thấy số nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán đã tăng 48,8% lên 9,14 triệu người năm 2020. So với dân số Hàn Quốc, tỷ lệ tài khoản đạt 16,3%. Trong khi đó, dân số Đài Loan chỉ hơn 23 triệu người nhưng có tới 11,24 triệu tài khoản (tính đến tháng 5/2021), tức một nửa dân số Đài Loan đầu tư chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới chủ yếu là những người trẻ, độ tuổi dưới 30.
Trong một bài phân tích mới đây, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng dù có sự gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm gần đây, số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số cả nước, và con số này tương đương với tỷ lệ người dân Đài Loan (Trung Quốc) có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân vào năm 1986.
"Hiện Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ người dân tham gia thị trường chứng khoán của quốc gia lên 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030. Đây là những mục tiêu khả thi nếu so sánh với quá trình gia nhập thị trường của các nhà đầu tư cá nhân ở Đài Loan tại giai đoạn phát triển kinh tế tương tự với Việt Nam hiện nay", ông Michael Kokalari phân tích tỷ lệ tham gia ngày càng cao của các nhà đầu tư trong nước vào thị trường chứng khoán dù còn khiêm tốn so với những "Con hổ châu Á" như Đài Loan khi các nền kinh tế này ở giai đoạn phát triển tương tự với kinh tế Việt Nam hiện tại, và các mảng dịch vụ kiến tạo nên một thị trường chứng khoán hiện đại vẫn đang được sắp xếp để đáp ứng cho tốc độ tăng trưởng kỳ vọng.
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital.
Theo ông Michael Kokalari, làn sóng nhà đầu tư cá nhân hiện nay đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam được thúc đẩy bởi mức lãi suất giảm và thu nhập doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, và là một bước tiến mới trong sự phát triển của thị trường chứng khoán mà VinaCapital dự đoán sẽ diễn ra trong suốt những thập kỷ tới.
Đề án của Chính phủ có một mục rất chú trọng vào sự phát triển của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Theo đó, Đề án nhấn mạnh việc cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân bằng việc ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn về nhà đầu tư chuyên nghiệp để phân loại nhà đầu tư, tiến tới cấu trúc lại các loại sản phẩm và thị trường theo nhóm nhà đầu tư; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nhỏ và nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc cho phép các công ty chứng khoán mở tài khoản trực tuyến (e-contract) và xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC). Đây là những giải pháp công nghệ đã và đang được triển khai trong 2 năm qua, nhờ đó số luợng tài khoản mới bùng nổ mạnh, bất chấp dịch bệnh.
Bạch Huệ
Doanh nghiệp và Tiếp thị