Hôm 5/11 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD. Đây là thắng lợi của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của Mỹ. Ông Biden cũng tuyên bố sẽ sớm ký thành luật gói đầu tư này.
Cụ thể, đạo luật cho phép chính phủ Mỹ chi 550 tỷ USD để xây cầu đường, lắp đặt internet băng thông rộng, cải thiện nguồn nước sạch, tăng cường các trạm sạc điện và cùng lúc áp dụng những biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu khác. Nhà Trắng ước tính đạo luật có thể tạo thêm khoảng 2 triệu việc làm mỗi năm.
Đường sắt Trung Quốc
Ngoài ra, gói đầu tư cũng dự tính chi 65 tỷ USD để xây dựng lại lưới điện, 55 tỷ USD nâng cấp cơ sở hạ tầng nước, 39 tỷ USD cho phương tiện công cộng và 25 tỷ USD để cải tạo các sân bay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi cuộc bỏ phiếu là một bước tiến "vĩ đại". Ông cho rằng đạo luật này sẽ đưa Mỹ "tới con đường chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế thế kỷ 21".
Ngành đường sắt Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong hơn 50 năm qua. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, tờ Global Times (Hoàn Cầu) của Trung Quốc, lại cho rằng dự luật sẽ không đồng nghĩa với việc Washington có thể giải quyết tất cả các vấn đề của Mỹ và mang lại cho nước này đủ sức mạnh để cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Phía Trung Quốc cho rằng, một số cơ sở hạ tầng của Mỹ lạc hậu so với của Trung Quốc, hay nói cách khác là "không so cũng biết". Hầu hết cơ sở hạ tầng của Trung Quốc được xây dựng mới, vì vậy việc các dự án như vậy hiện đại hơn Mỹ là điều bình thường.
Hoàn Cầu lập luận, vì Trung Quốc có dân số lớn, nên tỷ lệ sử dụng cơ sở hạ tầng cao hơn. Do đó, sự thúc đẩy về cơ sở hạ tầng có thể mang lại lợi nhuận tương đối cao.
Ví dụ, các điều kiện quốc gia của Trung Quốc khiến nước này trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển nhanh chóng của đường sắt cao tốc, và đường cao tốc là cần thiết ở hầu hết các vùng của Trung Quốc. Chi phí cho cơ sở hạ tầng như vậy là cao, nhưng "phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương" Trung Quốc.
Bài báo nêu thêm rằng, Mỹ sẽ không bao giờ có thể xây dựng một mạng lưới đường sắt mật độ cao như của Trung Quốc và tổng mức độ đường tàu cao tốc của nước này "chắc chắn sẽ thua Trung Quốc".
Tàu cao tốc do Trung Quốc bàn giao cho Lào.
Về lâu dài, tổng công suất, hoạt động và giá trị kinh tế của mạng lưới thông tin của Mỹ sẽ khó có thể sánh được với Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc được điều phối bởi sự định hướng của Bắc Kinh, tận dụng điều kiện thực tế và việc sử dụng tối đa các nguồn lực của Trung Quốc.
Hoàn Cầu tuyên bố: "Nếu Mỹ bắt chước Trung Quốc, kết quả có thể xảy ra là một kế hoạch rối loạn và yếu ớt, không phù hợp với các điều kiện và nhu cầu thị trường của Mỹ. Các chương trình cơ sở hạ tầng đắt đỏ ở Mỹ không thể mang lại nguồn thu thuế mới và điều này sẽ đẩy đất nước này vào một sự thịnh vượng giả tạo do nới lỏng định lượng và in tiền quá mức".
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính phủ Mỹ đã liên tục đề xuất các biện pháp kích cầu quy mô lớn. Mỹ được cho là đã sử dụng "nguồn tiền vô tận" để phát hành các loại trợ cấp, tạo ra một viễn cảnh mà mọi người có thể sống bằng tiền trợ cấp mà không cần đi làm.
Theo cùng với hiện tượng đó, Mỹ phải chịu tình trạng tắc nghẽn cảng, tình trạng thiếu tài xế xe tải và chuỗi cung ứng nội địa hỗn loạn. Hoàn Cầu thừa nhận "Mỹ có lợi thế về công nghệ và vốn", nhưng cho rằng Mỹ gặp vấn đề về chia rẽ xã hội.
Hoàn Cầu kết luận rằng kế hoạch trong dự luật cơ sở hạ tầng của Mỹ là "bất khả thi" và không hợp lí.