Theo các nhà phân tích, doanh số bán hàng của Chanel đã giảm 17,6% vào năm ngoái nhưng tỷ suất lợi nhuận cốt lõi ở mức 20% khiến nó trở thành một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất trong cùng lĩnh vực. Chanel cũng dự kiến doanh thu năm nay sẽ tăng hai con số so với mức trước đại dịch năm 2019. Giá của một chiếc túi xách cổ điển nhỏ của Chanel đã tăng 16% lên khoảng 8.429 USD kể từ cuối tháng 9 vừa qua. Chiếc túi xách da chần bông với xích vàng được niêm yết trên website của hãng hiện tại là khoảng 9.043 USD, tăng gần 30% so với giá tiền được công bố hồi tháng 12/2020.
Có thể lấy ví dụ về quỹ đạo tăng giá của một chiếc túi cụ thể, như Classic Flap chẳng hạn: Trước tháng 3/2020, túi có giá 5.356 USD; vào tháng 6 năm 2020 nó đã tăng lên 6.144 USD; tháng 10/2020 túi tiếp tục tăng lên mức 6.434 USD; tháng 7/2021 túi có giá 6.701 USD và mức điều chỉnh hiện nay đã là 7.686 USD. Mức tăng của chiếc túi này so với trước đại dịch lên đến 40%, có nghĩa là chỉ riêng bộ sưu tập của Kristen Stewart đã có thể sánh ngang với GDP của một quốc gia nhỏ, theo nhận xét của Dazed.
Túi xách của Chanel tăng giá chóng mặt, trở thành hiện tượng của làng thời trang xa xỉ thế giới. Ảnh: Getty
Một phát ngôn viên của tập đoàn cho biết việc tăng giá chỉ được áp dụng trên các mẫu túi mang tính biểu tượng, cụ thể là Timeless Classic và 2.55. Người này cũng cho biết, giống như tất cả các thương hiệu cao cấp khác, Chanel thường xuyên điều chỉnh giá để tính đến những thay đổi trong chi phí sản xuất và giá nguyên liệu cũng như biến động tỷ giá hối đoái. Cách làm của hãng cũng được cân nhắc kỹ để tránh sự chênh lệch quá mức giữa các thị trường trên thế giới. Mặc dù vậy, đợt tăng giá mới nhất của Chanel với mức 15,5% dường như thiên nhiều hơn vào việc duy trì tính độc quyền và bảo vệ mình khỏi sự phình to của thị trường bán lại.
Cùng với động thái tăng giá, Chanel cũng triển khai chính sách mới – ít nhất hiện đang được áp dụng ở Hàn Quốc, nơi khách hàng chỉ có thể mua một số lượng túi nhất định. Ngoài ra, nhãn hiệu cũng bắt đầu dùng thẻ xác thực kỹ thuật khiến túi của Chanel khó lọt vào thị trường bán lại xa xỉ.
Chanel cũng cải tiến chương trình bảo hành của mình, kéo dài thời gian cung cấp hậu mãi lên 5 năm. Vì thế, theo nhận xét của cộng đồng quốc tế, giá của một chiếc túi Chanel không chỉ phản ánh cảm giác độc quyền mà còn cả giá trị thương hiệu. Đại diện của thương hiệu đưa ý kiến: “Mua một chiếc túi Chanel có nghĩa là khách hàng được mang theo kiến thức chuyên môn nổi tiếng và thiết kế của Pháp; cùng với đó là cam kết bền vững để duy trì kỹ năng và sự khéo léo sản xuất sáng tạo tiên tiến hàng đầu và nguồn gốc nguyên liệu đảm bảo”.
Việc tăng giá được giải thích là để tính toán lại chi phí đầu vào nhưng thực ra Chanel làm như vậy là để duy trì tính độc quyền thương hiệu. Ảnh: Reuters |
Phương Kim
NDH