Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ tháng 1.2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Nhanh chóng nắm bắt cơ hội mà RCEP mang lại
Trao đổi với PV Lao Động, các chuyên gia kinh tế bày tỏ ý kiến về việc RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực) được phê duyệt hơi muộn, cơ hội tận dụng lợi thế do Hiệp định này mang lại bị chậm lại ít nhiều.
“Đáng lý Việt Nam cần phê duyệt sớm hơn để khẳng định vị thế quốc gia chủ động, tích cực rất cao trong hội nhập khu vực, tăng thêm uy tín quốc tế cho đất nước. Lợi ích từ thương mại RCEP sẽ rất lớn vì tiếp cận một thị trường trên 2,2 tỉ người tiêu dùng. Lợi ích đó đến từ sự tích hợp cả lợi thế tuyệt đối, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh và lợi thế quy mô. Khoảng cách gần, tương đồng văn hoá cũng là lợi thế để Việt Nam phát huy và thu lợi lâu dài, to lớn” – chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, các cam kết RCEP cộng hưởng với hàng loạt Hiệp định thương mại (AFTA) đã ký kết trước đây sẽ tăng thêm nhiều lợi thế cho Việt Nam, trong đó có ACFTA (ASEAN-China Free Trade Area), AKFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc), ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), AJCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN–Nhật Bản), AANZFTA (Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Australia và New Zealand)... đang là động lực để thu lợi ích thương mại nếu có sự chuẩn bị lượng hàng lớn và xây dựng chuỗi cung ứng cao, bền vững để chủ động, tích cực khai thác.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và áp dụng một quy tắc ứng xử chung giữa 15 nước, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn, sự trao đổi giao thương của Việt Nam với các đối tác trong Hiệp định RCEP sẽ ngày càng được mở rộng.
"Do vậy, Việt Nam không nên chần chừ, do dự vì cơ hội thâm nhập sâu vào thị trưởng khổng lồ Trung Quốc chưa kể đến 13 thị trường khác đang chờ đón Việt Nam đang chưa được khai thác triệt để" - ông Lạng khẳng định.
Theo Bộ Công Thương, RCEP có hiệu lực từ tháng 1.2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, nhất là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Chất lượng hàng hóa là yếu tố then chốt
Cũng theo Bộ Công Thương, đến ngày 2.11 vừa qua, có 6 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 4 nước đối tác nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP cho Tổng Thư ký ASEAN, nên RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.1.2022.
Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỉ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra nhiều thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi tham gia RCEP. Trong đó, vấn đề chất lượng hàng hóa đóng vai trò then chốt. Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, thời gian gần đây, Trung Quốc đã có nhiều quy định mới đòi hỏi cao đối với hàng Việt Nam, gây khó khăn tạm thời.
"Khai thác thị trường này là việc làm lâu dài, quy mô lớn và do đó doanh nghiệp cần đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn" - ông Lạng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Liên Phương - Chủ tịch nhóm Công ty LPVN tại Việt Nam và UAE, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại một số sản phẩm thế mạnh như: Nông, thủy sản… Tuy nhiên chủ yếu vẫn là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng gia công cùng chất lượng chưa cao. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khá tương đồng với một số nước thành viên khác, xuất khẩu sang các nước đối tác ngày một khó khăn, khi các nước có những tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, như vậy sẽ là một bất lợi.
“Việc thiếu công nghệ trong chế biến và bảo quản đã khiến nông sản Việt Nam ở vào thế bấp bênh, bị cạnh tranh khá gay gắt từ thị trường trong khu vực” – ông Nguyễn Liên Phương nói.