Theo các chuyên gia, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời. Trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Mối nguy cơ từ trời lạnh
Theo theo thống kê từ một số bệnh viện, mùa lạnh gia tăng bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ từ 15-30%. Theo khảo sát vừa công bố trên tạp chí Stroke Journal, chỉ cần 2 ly rượu mỗi ngày cũng đủ khiến tỷ lệ đột quỵ lên đến 34%.
Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho biết nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Khi mạch máu co lại, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại vi, co mạch gây tăng huyết áp, sức cản ngoại vi tăng cao gây đứt, vỡ mạch máu não sẽ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ và nguy cơ tử vong cao.
Một nguyên nhân khác khiến dễ bị bệnh đột quỵ vào mùa lạnh là do số lượng hồng cầu, tiểu cầu tăng lên, dẫn đến làm tăng độ đặc quánh của máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu. Đặc biệt, ở những người bị xơ vữa động mạch, mức cholesterol cao thì khả năng hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu càng cao.
Theo bác sĩ Vũ, đột quỵ do thiếu máu cục bộ hay còn gọi là cục máu đông, chiếm khoảng 87% tổng số đột quỵ, đột quỵ do thiếu máu cục bộ là do tắc nghẽn mạch máu cung cấp máu cho não. Cục máu đông được hình thành trong mạch máu sẽ làm tắc lưu thông dòng máu, khiến não bị thiếu máu cục bộ. Khi các tế bào não chết đi, các triệu chứng như mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội, giảm thị lực, thậm chí là liệt nửa người, khó nói... sẽ xảy ra.
Đột quỵ não có 2 hình thức phổ biến là đột quỵ do huyết khối là do sự tồn tại của cục máu đông được hình thành trong động mạch ở cổ hoặc não. Tức là cục máu đông hình thành trực tiếp tại não. Những động mạch này có thể có tích tụ chất béo, gọi là các mảng bám theo thời gian gây tắc mạch làm hạn chế hoặc mất hoàn toàn sự lưu thông của dòng máu.
Đột quỵ do tắc mạch là do sự tồn tại của các cục máu đông hình thành các bộ phận khác trong cơ thể (thường là tim) và di chuyển đến não. Biểu hiện thường gặp là nhịp bất thường ở hai buồng phía trên của tim, có thể làm hình thành cục máu đông. Khi lên não, thông thường cục huyết khối sẽ làm tắc những mạch máu lớn, gây ra tình trạng nhồi máu não với vùng thiếu máu và chết não rất rộng.
Hơn nữa, vào mùa lạnh chúng ta thường lười vận động và ăn uống không lành mạnh. Điều này có thể gây lượng mỡ máu tăng lên, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn. Ngoài ra trong thời đại hiện nay các yếu tố làm gia tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông như: lối sống ít vận động thể lực, béo phì, lạm dụng bia rượu, chất kích thích, thuốc lá, hay tình trạng căng thẳng kéo dài làm cho đột quỵ ngày càng trẻ hóa.
Những người trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh tim mạch thường dễ bị đột quỵ hơn vào mùa lạnh. Đối với người lớn tuổi, hệ thống miễn dịch và khả năng chịu đựng suy giảm, đồng thời mạch máu không còn đàn hồi, trở nên cứng hơn và độ quánh của máu cũng tăng. Điều này khiến máu dễ bị vón và lưu lượng máu đến não giảm.
Phòng tránh đột quỵ sao trong mùa lạnh?
Theo các bác sĩ, đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước. Đột quỵ giai đoạn sớm thường bắt đầu bởi các triệu chứng như xây xẩm chóng mặt, mặt lệch, tê yếu tay chân thậm chí liệt, đi không vững hay méo miệng, nói khó, nuốt nghẹn, uống sặc, mắt mờ…
Đột quỵ giai đoạn sớm thường bắt đầu bởi các triệu chứng như xây xẩm chóng mặt, mặt lệch, tê yếu tay chân…
Bác sĩ Vũ cho biết thêm để phòng ngừa đột quỵ vào mùa lạnh, người dân cần phải giữ ấm cho cơ thể. Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.
Mùa đông nên giữ nhiệt độ trong nhà thấp nhất là từ 16 đến 18 độ C, thường xuyên uống một ly nước ấm trước khi đi ngủ và dùng các thực phẩm, đồ uống nóng có thể giúp tăng năng lượng đồng thời giúp giữ ấm cho cơ thể.
"Theo quan niệm đông y nếu trời lạnh có thể kiếm gì đó nóng để ăn, mặc nhiều lớp áo mỏng chế ngự cái lạnh rất tốt hơn mặc áo dày vì theo phương pháp dẫn nhiệt giữa các lớp không khí áo cách nhiệt rất tốt, sắm một chiếc mũ len và một cái khăn quàng để giữ ấm cho đầu và cổ, hai vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất khi nhiệt độ thay đổi", bác sĩ Vũ nói.
Tập thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế thuốc lá, rượu bia, đồ ăn nhiều dầu mỡ, vận động cơ thể phù hợp. Đồng thời, kiểm soát tốt các bệnh lý đang có, cần ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao, ổn định đường huyết ở người bệnh tiểu đường (người bị bệnh tiểu đường thận trọng với các mảng xơ vữa gây thiếu máu não).
Tập thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế thuốc lá, rượu bia, đồ ăn nhiều dầu mỡ, vận động cơ thể phù hợp.
Các bác sĩ khuyến cáo thêm, người trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng.
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...
Xem thêm: mth.11524911160111202-man-iouc-hnal-aum-yuq-tod-hnart-gnohp-ed-oas-mal/nv.ertiout