Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vào chiều nay (11/11), đại biểu Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi về quan điểm cũng như phạm vi của chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mà người dân và doanh nghiệp đang rất chờ đợi.
Về quan điểm của chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phải phù hợp. Bên cạnh đó phải bảo đảm các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng như những cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời ông Dũng nhấn mạnh chương trình phải đảm bảo hỗ trợ cho cả cung và cầu của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần thực hiện linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế…
Ngoài ra, chương trình phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả nợ của nền kinh tế.
Về mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế phải đảm bảo sự phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn với dịch bệnh. Ngoài ra, phải đảm bảo sự chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong mọi điều kiện của dịch bệnh.
"Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu. Bên cạnh đó là đảm bảo an sinh xã hội của người dân, người nghèo, các đối tương yếu thế…", ông Dũng cho biết các mục tiêu của chương trình hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế.
Về thời gian thực hiện chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện trong 2 năm (2022, 2023). Và nếu được thông qua trong kỳ họp cuối năm nay, chương trình sẽ thực hiện ngay đầu năm 2022 để phục hồi và phát triển nhanh nền kinh tế.
Vì sao có tiền không "tiêu" được?
Trong khi đó, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nguyên nhân vì sao tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp và giải pháp của Bộ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm nay và các năm tiếp theo?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lý do chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt tiến độ là phương pháp chuẩn bị phương án kém, chất lượng không cao, chủ yếu việc chuẩn bị phương án đầu tư chỉ mang tính hình thức, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ chương đầu tư thì các chủ đầu tư mới thực hiện một cách thực tế, lúc này lại mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh lại dự án.
Bên cạnh đó, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng vẫn gây khó khăn và chưa thể giải quyết ngay. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu các quy định, vướng mắc trong Luật đất đai không được giải quyết triệt để thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ không thể giải quyết nhanh. Các phát sinh chủ yếu là giá đền bù đất, tranh chấp khi bàn giao, khiếu kiện, ý thức người dân…
Riêng năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết công tác giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn do dịch bệnh khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội nhiều tháng. Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến giá nhiên vật liệu tăng cao, thiếu lao động, chi phí đối ứng tăng cao…
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, để khắc phục tình trạng này thì tổ chức thực hiện vẫn là khâu chính. Bởi hiện nay Bộ đã phân cấp phần lớn quyền quyết định về lựa chọn dự án giải ngân, tỷ lệ giải ngân, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn… về các bộ, ngành và địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.22185826111111202-man-2-iad-oek-et-hnik-ioh-cuhp-av-ort-oh-hnirt-gnouhc/et-hnik/nv.vtv