Tính từ 16h ngày 10/11 đến 16h ngày 11/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.162 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 8.145 ca ghi nhận trong nước (tăng 227 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 3.951 ca trong cộng đồng). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua là 7.821 ca/ngày.
Theo PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM - do số ca mắc tăng, các địa phương nên nhanh chóng tiến hành giãn cách diện hẹp, hạn chế tụ tập những nơi đông người để giảm số ca lây mắc.
Hiện nay, nếu chờ vắc xin, sẽ mất 2 – 3 tuần để có kháng thể để giảm tỷ lệ lây nhiễm. Nhưng nếu giãn cách, hạn chế nơi đông người, đóng cửa các điểm tụ tập đông người, số ca mắc có thể giảm sau vài ngày.
Hiện nay, có trường hợp bệnh nhân Covid-19 dù đã tiêm hai mũi vẫn có thể trở nặng và có nguy cơ tử vong. Theo PGS Dũng, hiệu quả bảo vệ người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 khỏi bệnh nặng và tử vong là 90%. 10% còn lại vẫn có thể trở nặng và tử vong khi mắc Covid-19.
Người có bệnh nền vẫn có thể trở nặng nếu mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi.
Chính vì vậy, hiện nay một số quốc gia đã xem xét tiêm ngừa mũi 3 cho người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc người làm việc ở môi trường nguy cơ vào thời gian 6 tháng sau khi hoàn thành các mũi tiêm cơ bản. Ở Việt Nam, nếu có đủ vắc xin thì việc xem xét tiêm cho các đối tượng này cũng hợp lý, PGS Dũng nói.
PGS Dũng cũng cho biết một số nghiên cứu đã ghi nhận tỉ lệ kháng thể ở người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sẽ giảm một nửa sau 108 ngày. Khoảng 4-6 tháng sau tiêm, kháng thể giảm và nếu bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2 sẽ có thể mắc bệnh. Nếu người có bệnh nền vẫn có thể bị nặng.
Các đối tượng dễ mắc Covid-19 và trở nặng dù đã tiêm hai mũi vắc xin là người trên 65 tuổi mắc các bệnh lý tiểu đường, suy tim, suy thận mãn, suy gan, ung thư, người béo phì.
Vì vậy, PGS Dũng cho biết mọi người không nên chủ quan dù đã tiêm hai mũi vắc xin, nhất là những người thuộc nhóm đối tượng trên.
Những gia đình có người già, người bị suy giảm miễn dịch cần hết sức thận trọng. Ví dụ như người có nguy cơ không nên đi chợ, đi siêu thị, tới những nơi đông người. Người trẻ trong gia đình có thể làm thay việc đó.
BS Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - cũng cho rằng việc người mắc bệnh trở nặng dù đã tiêm vắc xin vẫn có thể xảy ra. BS Khanh cho biết các cơ quan y tế có thể xem xét tỷ lệ nhiễm, nhập viện và tử vong của mỗi loại vắc xin.
Mục tiêu và tác dụng vắc xin là để người tiêm không bị bệnh nặng, không phải nhập viện chứ không phải là không lây nhiễm. Nhưng mục tiêu nay cũng không thể đạt tuyệt đối.
Vì vậy, BS Khanh cho rằng nếu tiêm đủ 2 mũi, bạn vẫn phải tuân thủ 5K vì bạn không thể biết người đối diện có mang mầm bệnh hay không. Bạn cũng có thể mang mầm bệnh và lây cho người khác. Khi về nhà, bạn cũng có thể lây cho người trong gia đình.
Ngọc Anh
Doanh nghiệp và Tiếp thị