Ảnh tác giả bài viết cung cấp
Áo Trắng là một tập san thơ văn mà tôi rất thích. Hôm bữa Áo Trắng thông báo tạm dừng một thời gian vì những khó khăn riêng do COVID-19.
Tôi gửi Áo Trắng lời hẹn gặp lại trong nỗi bâng khuâng, vừa thương, vừa chờ, vừa hy vọng. Tôi nghĩ đó là tâm thế mà tôi và rất nhiều người khác nữa, dành những điều mình thương mến sau hai năm COVID-19. Vừa thương, vừa hy vọng.
Tôi nghĩ mình còn may mắn lắm. Vì tôi còn ở đây và tưởng tượng được cảm giác thơm ngọt từ những đòn bánh tét nội gói vào mùa Tết. Tôi còn tưởng tượng được mùi nhang thơm chiều tối ba mươi mẹ thắp. Tôi còn tưởng tượng được cái dáng cha chở chậu mai từ chợ hoa về.
Và tôi nhớ những đứa cháu của mình, ánh mắt của chúng khi nhìn tôi ngời lên sự tin cậy, trong sáng, những dấu yêu có tính chữa lành cho lòng muộn sầu của người lớn. Tôi thương chúng biết bao.
Vì tôi vẫn còn ở đây, nên tôi sẽ luôn muốn ngẩng lên cao và tạ ơn. Tôi vẫn khỏe mạnh, vẫn có thể mỗi ngày đi làm, vẫn có thể bỏ ống heo để dành tiền ăn Tết. Tôi muốn nói rằng tôi biết ơn vô biên vì những điều đó.
Hai năm COVID-19 đã thay đổi tôi rất nhiều, nhiều tới mức tôi không thể hình dung. Tôi yêu quý quá đỗi những phút giây bên gia đình mình. Những ngày giãn cách theo chỉ thị 12, bị kẹt lại Sài Gòn, chỉ ở trong xóm trọ ngồi chờ mỗi ngày đi qua, tôi thèm khôn xiết cảm giác được về nhà, thèm ly nước mía uống cùng mẹ bên hông chợ quê, thèm thấy lũ trẻ con thả diều.
Và còn Sài Gòn của tôi, tôi thèm nhìn những chuyến xe buýt chạy, thèm ngửi mùi cà phê sáng, thèm những khi tụ tập cạnh nhà thờ Đức Bà, thèm nhìn chợ hoa bến Bình Đông xôn xao và lãng đãng sương sớm những ngày giáp Tết. Phố của tôi đã tạm ngủ yên và chỉ vừa thức dậy sau cơn mê dài.
COVID-19 đã lấy đi nhiều thứ lắm. Nhưng cũng mang lại nhiều thứ lắm. Nó nhắc nhớ mình rằng chỉ có ở đây, lúc này. Sự trân quý những điều bình thường mình hay bỏ quê, sự trân quý mặt đất này, cuộc sống thẳm xanh này. Chỉ một cái thở nhẹ thôi, ồ, chỉ một cái thở nhẹ thôi, chúng ta bỗng như hạt cát bé tí trên quả đất tròn. Chúng ta thật mong manh.
Những người công nhân tôi thương chạy xe máy về quê, họ có được đủ no ấm? Mấy nay trời lạnh, tôi đã bắt đầu hình dung nụ xanh đương nhú trên những nhành cây. Một năm mới gần kề. Ở quê, không có việc làm như ở thành phố...
Liệu mọi người có ổn không? Có nghĩ về Tết không? Những trái tim mất mát và thương tổn, mọi người đã nguôi ngoai chưa? Tôi mong sao chúng ta cùng mạnh mẽ. Sau một biến cố, tôi tin thứ tròn đầy và rõ rệt nhất chính là tình thương.
Tôi thương những người tận tụy phục vụ nơi tuyết đầu, rất nhiều ngày không được bên gia đình. Tôi thương những người kiếm sống mỗi ngày, gò mình trong xóm trọ bé nhỏ chờ đại dịch qua đi.
Tôi thương những con người đã không thể chờ được ngày hết giãn cách. Tôi thương những em bé mồ côi vì đại dịch. Tôi thương những người chủ trọ tốt bụng không lấy tiền nhà.
Tôi thương những chuyến xe không đồng đưa người về quê, những chuyến xe chạy trong âm thầm.
Và tôi thực hy vọng dù là bất cứ đâu, dù là khi nào... Những chuyến xe có thể đưa chúng ta về nhà, nguyên vẹn một tình yêu, nguyên vẹn một tâm tư, nguyên vẹn một mái nhà. Dù là những con người phờ phạc, những mắt vẫn đỏ hoe vì mất mát hay những người mạnh mẽ can trường sau đại dịch...
Tôi mong và cầu chúc cho họ, cho chính tôi, sẽ luôn vững vàng trên con đường mình đi. Cuộc sống vất vả lắm, nhưng ta hãy cố gắng, hãy cùng cố gắng. Hoa mai hoa đào sắp nở trên đường về nhà rồi, phải không? Nồi bánh nội gói sắp sôi trên bếp lửa hai chín rồi, phải không?
Tôi hy vọng COVID-19 dù có diễn tiến thế nào đi nữa, chúng ta vẫn luôn có một nơi để trở về mừng năm mới. Và nếu có ai đó còn chưa được trở về, tôi mong bạn sẽ được bình an.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Dù đã trải qua 60 - 70 cái tết đủ cảm xúc đời người, họa sĩ Lê Thiết Cương hay nhạc sĩ Thụy Kha vẫn cứ da diết nhớ và tha thiết thương những cái tết gia đình đoàn viên đầu tiên của hòa bình.
Xem thêm: mth.23145819011111202-gnov-yh-iot-hcid-iad-uas-neiv-naod/nv.ertiout