AN GIANG – Trước bối cảnh giá nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao, tỉnh An Giang đề xuất ban hành Quỹ Bình ổn giá nông sản.
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao, rất cần ban hành “Quỹ Bình ổn giá nông sản” - đó là nội dung chính mà ông Trình Lam Sinh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trao đổi với PV Báo Lao Động.
Theo ông Lam Sinh, dù đã có rất nhiều ý kiến với nhiều góc độ khác nhau, nhưng với tư cách là đại biểu của địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, mà cụ thể là lúa và cá như An Giang, xét thấy vẫn cần tiếp tục đề xuất thêm để thiết thực đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho người làm nông nghiệp.
"Chúng ta luôn xác định nông nghiệp là nền tảng, là bệ đỡ để nền kinh tế có điều kiện phát triển, nhưng trên thực tế bản thân ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhất là thời gian gần đây nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng cao" - Lam Sinh chia sẻ.
Ông Lam Sinh đưa ra dẫn chứng: Vụ Đông Xuân 2020-2021, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 1ha vào khoảng 12- 12,5 triệu đồng. Đến vụ Hè thu 2021, chi phí này tăng lên 13,4 - 13,5 triệu đồng/ha. Nhưng đến vụ Thu đông 2021, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 1ha đã tăng lên đến 17,5 triệu đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá nhiều loại vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp tăng cao. Cụ thể phân Urea có giá 290.000đ/bao tại thời điểm vụ Đông xuân năm 2020-2021 thì hiện nay có giá từ 975.000đ đến 1.000.000đ/bao, tăng khoảng 245%. Tương tự phân DAP giá từ 550.000đ/bao, hiện nay có giá 1.150.000đ/bao, tăng 109%; phân Kali từ 330.000đ/bao tăng lên 800.000đ/bao tăng 143%; Thuốc Tilt Super thì có giá 160.000đ/chai hiện nay là 220.000đ/chai tăng 37,5%. Và theo dự báo, giá vật tư nông nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng và ở mức cao vào vụ Đông xuân 2021-2022...
“Điều này cũng đồng nghĩa người nông dân gặp khá nhiều khó khăn, và đây chỉ mới là một phần trong các sản phẩm nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp. Vì vậy, rất mong Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chế phẩm sinh học… để giúp người nông dân sản xuất có lợi nhuận trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19” - ông Lam Sinh nhấn mạnh.
Theo đó, ông Lam Sinh đề xuất sớm ban hành “Quỹ Bình ổn giá đối với nông sản”. Trước mắt có thể ưu tiên cho những sản phẩm chủ lực quốc gia như lúa gạo, tôm cá và trái cây. Bởi điều này không chỉ giúp ngành hàng nông sản chủ lực tránh được những tác động bất lợi của thị trường, phát huy lợi thế đặc thù để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo ông Lam Sinh, cần có cơ chế chính sách riêng cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long để ưu tiên đầu tư hạ tầng nông nghiệp, đầu tư phát triển hệ thống logistic, các kho trữ lạnh để giải quyết vấn đề lưu trữ nông sản vào những thời điểm thu hoạch cao điểm và phục vụ tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Xem thêm: odl.903379-oac-gnat-peihgn-gnon-ut-tav-aig-ohp-gnu-ed-nas-gnon-aig-no-hnib-yuq/et-hnik/nv.gnodoal