Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn
Sáng 13-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khóa XV).
Nghị quyết đánh giá: sau 2,5 ngày thực hiện hoạt động chất vấn với các lĩnh vực y tế, lao động - thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, kế hoạch và đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu, làm rõ thêm các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Tuy vậy, hạn chế tồn tại, khó khăn vẫn còn nhiều, nên cần khắc phục và có giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát hiệu quả, linh hoạt phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các bộ ngành tập trung thực hiện giải pháp, cam kết, khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh trong công tác quản lý.
Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, nghị quyết yêu cầu cần ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp; nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Có giải pháp hiệu quả từng bước giảm sự chênh lệch chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền. Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỉ lệ tiêm chủng đủ liều vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vắc xin trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vắc xin.
Nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng cả về nhân lực và cơ sở vật chất, ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra kiểm toán chuyên sâu về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực cho phòng chống dịch.
Với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, cần đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.
Khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước. Đặc biệt quan tâm việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi toàn quốc, việc đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, vấn đề nhà ở cho công nhân.
Khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, toàn diện, hướng tới thị trường lao động đa dạng.
Ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi. Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa về bảo trợ xã hội; tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội…
Với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch COVID-19, chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai để thích ứng với dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng. Phối hợp với Bộ Y tế sớm triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 cho học sinh, đảm bảo an toàn trường học.
Hoàn thiện phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho năm 2022 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Có giải pháp hiệu quả hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm.
Với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu sớm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn.
TTO - Chính phủ đang huy động mọi nguồn lực, xây dựng dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là ở các lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19.