UBND tỉnh Bình Phước vừa có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ GTVT đề nghị giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đầu tư dự án đường bộ cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một (Bình Dương) – Chơn Thành (Bình Phước), ngay trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, qua xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án của tư vấn, các đơn vị chuyên môn Bộ GTVT, TP.HCM và Bình Phước thống nhất chia dự án trên thành hai đoạn để đầu tư.
Sơ đồ năm tuyến cao tốc kết nối TP.HCM đi các tỉnh lân cận. Đồ họa: HỒ TRANG
Đoạn 1 có điểm đầu tại nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM), điểm cuối Km8+600 nút giao An Phú (vành đai 3).
Đoạn 2, có điểm đầu Km8+600 tại nút giao An Phú (vành đai 3 tỉnh Bình Dương ), điểm cuối giao quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).
Hai địa phương trên cũng thống nhất, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7km, trong đó đoạn đi qua TP.HCM dài khoảng 1,7km, qua tỉnh Bình Dương khoảng 60km và qua tỉnh Bình Phước là 7km. Quy mô dự án 6 làn xe, với vận tốc thiết kế 80-100km/h.
Hướng tuyến cao tốc trên dự kiến đi từ nút giao Gò Dưa (Km0+00) dọc theo tỉnh lộ 43 (thuộc TP Thủ Đức) khoảng 800m, rồi rẽ phải theo ĐT.743B, ĐT.743A, ĐT.747B tới trước cầu Khánh Vân. Tuyến chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại và men theo Suối Cái, song song với ĐH.409.
Sau đó, tuyến cao tốc cắt ĐT.747A tại Cổng Xanh, đi song song với ĐT.741 lên xã An Long huyện Phú Giáo rồi đi thẳng lên phía Bắc giáp phía Đông Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, kết nối với quốc lộ 14.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 12.137 tỉ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư. Vốn tư nhân khoảng 13.211 (đã bao gồm lãi vay). Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 32 năm.
Do dự án này có tổng mức đầu tư lớn, theo trình tự thủ tục đầu tư Chính phủ phải báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Hiện nay, phương tiện từ TP.HCM đi qua Thủ Dầu Một (Bình Dương), theo quốc lộ 13 đến tỉnh Bình Phước, tổng quãng đường dài khoảng 120 km. Tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được đề xuất triển khai để tăng tính kết nối, năng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cao tốc này triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, thực hiện trước năm 2030, phù hợp với chủ trương xã hội hóa nhằm giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.