vĐồng tin tức tài chính 365

Hội thảo quốc gia “Thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam”

2021-11-15 11:27

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, nông nghiệp, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước. Trải qua nhiều giai đoạn, Đảng ta luôn chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống của người nông dân. Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ban hành như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014, Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng được Đảng ta nhấn mạnh, với những nội dung quan trọng như: đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững...

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu tổng quát là mọi người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, chiến lược đặc biệt chú trọng tới những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những năm qua, NHNN luôn xác định tín dụng nông nghiệp, nông thôn là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên. NHNN đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định số 14-CP ngày 02/3/1993; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018,… Bên cạnh đó, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng để thực hiện Chiến lược ngay sau khi được phê duyệt. Đây có thể xem là một bước tiến quan trọng để triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và sinh kế cho người dân, trong đó có một phần lớn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Các TCTD đã tập trung đầu tư vốn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, lãi suất cho các khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống ngân hàng Việt Nam có vai trò quan trọng không chỉ trong việc cấp tín dụng, mà còn hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nông nghiệp bằng nhiều hình thức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như gói sản phẩm, dịch vụ cho vay thu mua chế biến xuất khẩu lương thực, gói sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho hộ sản xuất” – Phó Thống đốc nhấn mạnh.

image

Quang cảnh hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: Vai trò của tài chính toàn diện đối với phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đặt trong những xu hướng mới về toàn cầu hóa, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh; Phân tích các kinh nghiệm, mô hình mang tính điển hình đã được triển khai thành công tại các nước và rút ra bài học cho Việt Nam trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, nông thôn; Đánh giá những thành công cũng như hạn chế trong việc triển khai tài chính toàn diện đối với phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam trong thời gian vừa qua; chỉ rõ nguyên nhân; đề xuất quan điểm, giải pháp cho giai đoạn tới; Phân tích, đề xuất các giải pháp về ứng dụng công nghệ hiện đại để đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tài chính tại khu vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng gắn với các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên tinh thần đó, các đại biểu đã có những tham luận và ý kiến đóng góp làm rõ các nội dung liên quan. Đại diện Học viện Ngân hàng đề cập thực trạng tiếp cận dịch vụ tài chính ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa Việt Nam; từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện hướng đến phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn như: hoàn thiện các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động trong các lĩnh vực mới, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ,… Đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những đánh giá về việc tiếp cận chính sách tín dụng của các hộ gia đình nông thôn; đồng thời đưa ra các giải pháp chính sách giúp cải thiện dịch vụ tín dụng cho khu vực nông thôn, đa dạng hóa các nguồn vốn và sản phẩm tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như: xây dựng và triển khai những sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp, phối hợp đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… Tham luận của đại diện Viện Tài chính Bền vững - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh dựa trên các động cơ thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi số và thực hành tài chính bền vững để đề xuất các giải pháp mà ngành Ngân hàng cần triển khai, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thông qua các phiên thảo luận chuyên đề tại Hội thảo, các đại biểu nhận định tài chính toàn diện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam; và khu vực này cũng là đối tượng chính cần đến tài chính toàn diện. Trong hơn một năm qua, với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, việc triển khai Chiến lược đã diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả, đạt nhiều kết quả cùng thành tựu ấn tượng. Các TCTD trong phiên thảo luận đều cam kết sẵn sàng đồng lòng cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện, đặc biệt là cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất.

Với những chủ đề thảo luận mang tính thực tiễn cao, hội thảo đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, đóng góp thiết thực cho công tác điều hành của NHNN nói riêng và các bộ, ngành nói chung, cũng như gợi mở nhiều ý tưởng mới cho hoạt động thực tiễn của TCTD.

LK - MT

Xem thêm: 636664VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hội thảo quốc gia “Thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools