Hoạt động phát triển trang trại chăn nuôi tại Hà Nội đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp ổn định đời sống kinh tế của người dân cũng như phát triển ngành nông nghiệp đô thị. Dù vậy, toàn ngành vẫn phải luôn cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhận định, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi vào những tháng cuối năm là rất cao. Vì tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn và có thể tiếp tục gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn; Tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng; Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh (như bệnh Dịch tả lợn Châu Phi), lây lan nhanh và rộng do các véc tơ truyền bệnh (như vi rút gây bệnh Viêm da nổi cục); Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao; Thời tiết biến động bất lợi khiến các loại mầm bệnh phát triển, lây lan;
Đáng lưu ý, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh COVID-19, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo quy định.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có những chỉ đạo tới các địa phương để đảm bảo phòng dịch bệnh những tháng cuối năm 2021, bảo vệ thành quả phát triển thời gian qua
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã, đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới là vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa triển khai nhiệm vụ chuyên môn phù hợp với chỉ đạo của thành phố. Ngành Nông nghiệp thành phố sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu - đông và các tháng cuối năm đạt tỷ lệ hơn 80% tổng đàn; thực hiện các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường trên địa bàn… Các địa phương cần giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở để phát hiện, xử lý kịp thời khi phát sinh ổ dịch; đồng thời tăng cường các giải pháp kiểm dịch và kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào thành phố, nhất là dịp cuối năm.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT tại Chỉ thị số 6477/CT-BNN-TY ngày 08/10/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung phòng dịch như: Bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các Chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được UBND Thành phố ban hành; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.
Các địa phương cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ chăn nuôi, trang trại, trong việc chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn gia súc, gia cầm. Khai báo kịp thời khi đàn vật nuôi có biểu hiện dịch bệnh nguy hiểm, tuyệt đối không được giấu dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm mắc dịch hoặc nghi mắc dịch, không vứt xác gia súc, gia cầm ra môi trường.
Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm có hiệu quả; Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn quản lý, giám sát chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, không để lây lan ra diện rộng; Chỉ đạo các phòng chức năng, các cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai công tác phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm đối với các địa phương để xảy ra dịch bệnh do chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, bảo đảm tiêm phòng cho tối thiểu 80% tổng đàn, đặc biệt các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại,…
Tổ chức các đợt vệ sinh tiêu độc môi trường theo kế hoạch để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường; Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao, có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; Chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Bố trí kinh phí cho công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh; Chỉ đạo UBND cấp xã công khai định mức hỗ trợ thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra theo quy định của Thành phố để nhân dân biết và chủ động khai báo dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!