ISS có kích thước tương đương một sân bóng đá nhưng mong manh vì được thiết kế vào những năm 1990 khi nguy cơ va chạm với rác không gian vẫn còn rất thấp - Ảnh: AFP
"Các mảnh vỡ hình thành không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với hoạt động không gian", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh trên truyền thông Nga ngày 16-11.
Quân đội Nga khẳng định vụ bắn thử là một phần trong các hoạt động đã lên kế hoạch trước nhằm tăng cường năng lực quốc phòng.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định vụ bắn thử "tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế" và "không nhằm vào bất kỳ ai". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phủ nhận hành động của nước này đe dọa ISS và gọi các chỉ trích nhắm vào Nga là "đạo đức giả".
Các quan chức Mỹ khẳng định họ không được thông báo trước về vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Nga. Theo Hãng tin Reuters, vụ bắn thử ngày 15-11 tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ lớn có thể theo dõi và hàng ngàn mảnh vỡ nhỏ khác.
Hành động của Nga đã tạo ra một loạt lo ngại và phản ứng từ các nước phương Tây. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả vụ thử là một hành động "liều lĩnh" và "đáng lo ngại", chứng tỏ Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí mới có thể bắn hạ vệ tinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly thì chỉ trích trên Twitter, ám chỉ Nga là "những kẻ phá hoại không gian" vì tạo ra một lượng mảnh vỡ nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Đức thì bày tỏ "lo ngại" về vụ thử tên lửa và kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để "củng cố an ninh và lòng tin".
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia một cách xây dựng vào quá trình này và thiết lập các nguyên tắc ứng xử có trách nhiệm trong không gian", Đức kêu gọi.
Ông Didier Schmitt, một quan chức tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), tỏ ra lo ngại về các mảnh vỡ và cho biết chúng ở cùng quỹ đạo với ISS.
Ở độ cao khoảng 400km, những mảnh vỡ này đang bay với tốc độc 8km/giây, nhanh hơn đạn súng trường gần 8 lần nên nếu va chạm với ISS sẽ gây thiệt hại đáng kể.
"Có thể buộc phải tăng hoặc hạ độ cao của ISS để tránh các mảnh vỡ trên. Nhưng để làm được điều đó, cần phải có bản đồ chính xác các vật thể nguy hiểm. Điều đó là quá khó vì những mảnh vỡ này còn quá mới", ông Schmitt giải thích với Hãng tin AFP.
Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga cho biết "hệ thống cảnh báo tự động về các tình huống nguy hiểm" của họ đang tiếp tục "theo dõi tình hình để ngăn chặn và chống lại mọi mối đe dọa có thể xảy ra với ISS và phi hành đoàn".
"Đối với chúng tôi, ưu tiên chính đã và vẫn sẽ là đảm bảo sự an toàn vô điều kiện của phi hành đoàn", Roscosmos cam đoan trong tuyên bố ngày 16-11.
Có rất ít quốc gia sở hữu tên lửa chống vệ tinh. Ngoài Nga, Ấn Độ là nước gần đây nhất thực hiện vụ bắn thử tên lửa chống vệ tinh vào năm 2019, một động thái bị Mỹ và các nước khác chỉ trích vì tạo ra hàng trăm mảnh "rác không gian".
Năm 2008, Mỹ cũng bắn hạ một vệ tinh bằng tên lửa nhằm đáp trả lại việc Trung Quốc có động thái tương tự năm 2007.
TTO - 7 phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế buộc phải vào trú ẩn trong tàu vũ trụ Dragon và Soyuz do bất ngờ xuất hiện các mảnh vỡ nguy hiểm trong không gian.