Hôm 16-11, Nga thừa nhận đã phá hủy một trong các vệ tinh của mình bằng tên lửa. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng hành động bắn tên lửa huỷ vệ tinh này của Nga gây nguy hiểm cho Trạm Không gian Quốc tế (ISS), kênh Channel News Asia đưa tin.
Trước đó, hôm 15-11, các quan chức Mỹ đã cáo buộc Nga thực hiện một “hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm” khi bắn thử tên lửa huỷ vệ tinh ngoài không gian khiến “nhiều mảnh vỡ" bay lơ lửng ngoài vũ trụ, buộc phi hành đoàn Mỹ phải nhanh chóng tránh né.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã "thực hiện thành công vụ bắn tên lửa hủy vệ tinh, kết quả là tàu vũ trụ Nga Tselina-D - con tàu ở trên quỹ đạo từ năm 1982, đã bị phá hủy".
Cũng theo cơ quan này, Nga đang tiến hành các hoạt động theo kế hoạch nhằm tăng cường khả năng quốc phòng và khẳng định Mỹ biết rằng các mảnh vỡ không gây nguy hiểm cho các tàu vũ trụ, trạm không gian và các hoạt động liên quan.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định: "Các mảnh vỡ tạo ra không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với hoạt động không gian".
Tên lửa Soyuz-2 1b của Nga mang theo vệ tinh quân sự phóng vào vũ trụ tháng 5-2020 . Ảnh: TASS
Sau đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một thông cáo rằng vụ bắn tên lửa"tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế" và "không nhằm vào bất kỳ ai.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng phủ nhận cáo buộc Moscow đã gây nguy hiểm cho ISS. Ông Lavrov nói rằng việc các nước khẳng định Nga đe doạ các nước sử dụng không gian cho mục đích hoà bình là đạo đạo đức giả.
Cũng vào hôm 16-11, cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga cho biết "hệ thống cảnh báo tự động về các tình huống nguy hiểm" của họ đang tiếp tục "theo dõi tình hình để ngăn chặn và chống lại mọi mối nguy hiểm có thể xảy ra đối với sự an toàn của Trạm vũ trụ quốc tế và phi hành đoàn Nga".
Vệ tinh bị phá huỷ là vệ tinh tình báo của Liên Xô đã không còn hoạt động trong vài chục năm.
Về việc Moscow bắn tên lửa ngoài không gian, hôm 15-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hiện mối nguy hiểm vẫn chưa chấm dứt và các mảnh vỡ sẽ tiếp tục đe dọa các vệ tinh và các hoạt động trên ISS.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 16-11 cũng mô tả vụ bắn tên lửa của Nga là một hành động "liều lĩnh" và "đáng lo ngại".
Ông nói tại cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) rằng từ vụ bắn tên lửa chứng tỏ Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí mới có thể bắn hạ vệ tinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng đã đăng trên Twitter chỉ trích Nga là "những kẻ phá hoại không gian" vì khiến nhiều mảnh vỡ bay lơ lửng. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết họ "rất lo ngại" về vụ bắn tên lửa và kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để "củng cố an ninh và lòng tin".