Sức mua tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống ở TPHCM hiện nay rất thấp. Tiểu thương cho biết, người bán đông hơn người mua, các sạp không dám nhập nhiều hàng hóa. Hơn nữa, đến lúc này, vẫn chưa có nhiều sản phẩm phục vụ tết như thực phẩm đóng gói, bánh, kẹo, mứt.
Anh Bảo - kinh doanh tạp hóa ở chợ Rạch Ông, Q.8 - cho biết, anh đặt hàng mì, phở gói, tương ớt, tương cà, bột mì, bột chiên giòn… hơn một tháng nay nhưng nhà cung cấp vẫn chưa giao hàng. Vốn ít khách, lại thiếu hàng nên việc kinh doanh càng khó hơn. Hầu hết sản phẩm nhập vào đều tăng giá từ 5 - 30% tùy mặt hàng và phần lớn tăng giá từ 20 - 30%. Theo anh Bảo, nhóm hàng tăng giá cao nhất là dầu ăn, nước mắm. Trước đợt dịch COVID-19, giá dầu ăn nhập vào 31.800 đồng/lít, bán ra 34.000 đồng/lít nhưng hiện giá sỉ đã vọt lên 43.500 đồng/lít, giá bán lẻ 45.000 đồng/lít (tăng 11.000 đồng/lít, tương đương 30%). Nhiều loại nước mắm cũng tăng giá 10.000 đồng/chai loại 0,65 lít…
Cả nhà cung cấ p lẫ n bá n lẻ đề u gặ p khó khăn do chi phí sả n xuấ t tăng cao trong khi sức mua yếu |
Bà Ứng Thị Liên - Trưởng ngành hàng bánh kẹo, mứt của chợ Bình Tây, Q.6 - cũng cho hay, giá nhiều sản phẩm tăng 10 - 20% nhưng cũng không có nhiều hàng để lấy bán. Phần lớn cơ sở sản xuất đều thiếu nhân công và không nhập được nguyên liệu nên chưa sản xuất được nhiều hàng. Lượng sản phẩm nhập khẩu cũng nhỏ giọt, không nhiều như mọi năm. Do sức mua yếu nên hầu hết tiểu thương không dám nhập nhiều hàng mà bán hết tới đâu, nhập tới đó.
Đại diện các hệ thống siêu thị Saigon Co.op, MM Mega Market, Lotte Mart cũng cho biết, đã nhận thông báo tăng giá của nhiều nhà cung cấp, tập trung ở nhóm hàng mỹ phẩm, gia dụng, thực phẩm khô, thực phẩm đóng gói, với mức tăng giá từ 5 - 15%. Theo các nhà cung cấp, việc tăng giá sản phẩm là do giá nguyên liệu, giá nhân công, chi phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên, theo đại diện các siêu thị, ngoài một số sản phẩm thời vụ đã tăng giá, phần lớn hàng hóa còn dự trữ trong kho vẫn giữ giá cũ và chỉ tăng giá đối với lô hàng nhập mới trong thời gian tới.
Hầu hết các siêu thị phải áp dụng nhiều biện pháp để kích cầu và cân đối giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Thay vì đẩy mạnh các chương trình quảng bá hình ảnh như mọi năm, các siêu thị sẽ tập trung vào khuyến mãi, cắt giảm các chi phí không cần thiết để cộng thêm phần ưu đãi cho khách hàng, đồng thời giảm nhập những sản phẩm bán chậm mà có mức tăng giá cao, tăng các sản phẩm có giá tốt.
Đại diện Lotte Mart cho hay, một số sản phẩm đang bị đứt hàng, nhà cung cấp không đủ hàng cung ứng và siêu thị cũng không có sản phẩm từ nhà cung cấp khác nên khi họ đề nghị tăng giá với lý do hợp lý, siêu thị phải chấp nhận và đàm phán để tăng ưu đãi, khuyến mãi bù cho khách. Đại diện MM Mega Market cũng cho biết, đã nhận được thông báo từ nhà cung cấp về việc tăng giá đối với các sản phẩm hóa mỹ phẩm như bột giặt, dầu gội, dầu xả do chi phí vận chuyển tăng và giá nguyên vật liệu tăng.
Theo bà Vũ Nguyễn Diễm Thi - Giám đốc Marketing Saigon Co.op - hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã có kinh nghiệm về điều tiết giá cả thị trường nhiều năm nay nên dù gần đây, giá cả thị trường có chiều hướng tăng nhưng hệ thống vẫn giữ giá và giảm giá: “Chúng tôi vận dụng các hợp đồng ký kết chiến lược ổn định giá cả dài hạn với các đối tác, nhà cung cấp chiến lược, đồng thời tung hàng dự trữ và hàng khuyến mãi theo kế hoạch đã chuẩn bị trước và có ngay phương án tăng cường nhóm hàng thay thế để người tiêu dùng có thêm lựa chọn. Trong bối cảnh sức mua không cao như hiện nay, cả Saigon Co.op và các nhà cung cấp đều đồng lòng giảm lợi nhuận, thậm chí bù lỗ để giữ và giảm giá với mong muốn vực dậy sức mua. Khi đề nghị tăng giá, nhà cung cấp phải nêu lý do hợp lý và siêu thị luôn có lộ trình chứ không áp dụng việc tăng giá ngay”.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.2980541a-gnah-tud-mahp-nas-ueihn-oac-gnat-aig/nv.moc.enilnounuhp.www