Khách hàng thanh toán tiền bằng thẻ tín dụng tại siêu thị Co.opmart, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khách hàng nếu tìm hiểu kỹ để tận dụng có thể thu được nhiều lợi ích.
Thương mại và mua sắm điện tử lên ngôi
Là "tín đồ" mua hàng online, ngoài thẻ ATM nhận lương hằng tháng, chị Phượng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) "thủ" thêm hai thẻ tín dụng của hai ngân hàng (NH) khác nhau để tận dụng tối đa ưu đãi trong các dịp khuyến mãi, giảm giá.
Khi cần mua các đồ dùng từ quần áo đến đồ gia dụng, chị Phượng cũng mua từ các sàn TMĐT vì tiện lợi và luôn được giá hời. Chưa kể nếu dùng thẻ tín dụng thì còn được 45 ngày miễn lãi hoặc chọn lựa phương thức trả góp 0% qua thẻ tín dụng.
Anh Minh Tùng (quận 3) tính toán: sàn TMĐT có đủ các mặt hàng, nếu canh đúng thời điểm sàn có những ưu đãi dành riêng cho khách hàng của NH đối tác thì sẽ tiết kiệm được đáng kể. Ngoài ra còn được tích điểm, miễn phí vận chuyển.
Chị Nguyễn Minh Ngọc (Hà Nội) cho biết từ tháng 4 trở lại đây hầu hết các đơn hàng từ thực phẩm, rau xanh cho đến các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình chị đều mua qua sàn TMĐT. Chỉ cần chiếc điện thoại là đi chợ và thanh toán online. Thanh toán qua thẻ tín dụng thường được miễn phí vận chuyển, được hoàn tiền 5 - 10% đơn hàng...
Khách hàng vào mobile banking của từng NH thương mại chọn mua được từng ký thịt, mớ rau và thanh toán. Nếu không làm được việc này thì làm sao thanh toán và mua sắm một cách dễ dàng trong đợt dịch vừa rồi.
Phó thống đốc NH Nhà nước Phạm Tiến Dũng
Ba bên cùng có lợi
Nói về xu hướng NH bắt tay với sàn TMĐT nở rộ trong thời gian gần đây, ông Phạm Đức Duy - giám đốc Trung tâm thẻ NH Sacombank - cho biết việc kết hợp này mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng và an toàn hơn cho người mua sắm so với hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD).
"Đây là xu hướng tất yếu và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Bên cạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá thường xuyên giữa Sacombank và sàn TMĐT để ưu đãi cho khách hàng, chúng tôi cũng hợp tác với Công ty Tiki để phát triển dòng thẻ tín dụng có ưu đãi tại lĩnh vực mua sắm online hấp dẫn nhất thị trường với tỉ lệ hoàn tiền lên đến 15% cho giao dịch mua sắm trên sàn thương mại của Tiki.
Nhu cầu mở thẻ và doanh số giao dịch của thẻ Tiki hiện tăng trưởng rất tốt" - ông Duy nói.
Trong khi đó, đại diện HDBank cho biết đã liên kết với 7 ví điện tử gồm ShopeePay, ZaloPay, MoMo, VNPTPay, TrueMoney, VTCPay, Moca để tăng thêm tiện ích và lợi ích cho khách hàng. Đồng thời, cũng sẵn sàng hợp tác với nhiều nền tảng fintech khác để tăng tiện ích và tận dụng lợi thế hệ sinh thái của NH.
"Trong năm tới, NH sẽ tích hợp hệ thống eCommerce trực tiếp trên app HDBank. Theo đó, khách hàng có thể nhận evoucher từ các sàn TMĐT trực tiếp trên app của HDBank..." - đại diện HDBank cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Tiến Dũng - phó thống đốc NH Nhà nước - cho rằng việc kết hợp giữa NH và sàn TMĐT không chỉ tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua hàng trên các sàn TMĐT mà họ còn biết được các dịch vụ của NH và quay lại sử dụng các dịch vụ này.
"Đây là điều rất tốt, phù hợp với xu thế phát triển. Trên thực tế đã hình thành hệ sinh thái thanh toán số, trong đó kết nối tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống NH với các đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ, hàng hóa. Với việc này, người dùng có thể chọn mua hàng hóa trên các kênh số và thanh toán hoàn toàn không dùng tiền mặt" - ông Dũng nói.
Chính vì vậy, theo ông Dũng, trong đợt bùng phát dịch vừa rồi, người dân mới có thể nhận hàng hóa từ ngoài ngõ, khu cách ly. Còn đơn vị bán hàng hóa nhận được tiền bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt.
Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng
Tiến sĩ Võ Trí Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định thanh toán không tiền mặt phát triển rất tích cực, từ qua Internet đến QR, cà thẻ... chỉ cần chiếc điện thoại là có thể thanh toán được rất nhiều hàng hóa, dịch vụ chỉ trong một vài giây.
Theo ông Thành, trên thực tế vẫn còn nhiều đơn hàng người mua xem hàng rồi mới trả tiền. Không phải người mua do không có app, tài khoản NH, tài khoản ví điện tử... mà là niềm tin.
Để thanh toán không tiền mặt có bước tiến vượt bậc trong thời gian tới, ông Thành khuyến nghị phải xây dựng niềm tin khi mua bán hàng trên TMĐT.
Cụ thể, các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển tiền như NH, trung gian thanh toán phải kết hợp và cam kết chặt chẽ với bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ và các sàn TMĐT. Nguyên tắc là hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo chất lượng.
Mặt khác, cũng phải tính đến chuyện xử lý tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của người mua hàng. "Trách nhiệm của sàn thương mại, của đơn vị cung cấp sản phẩm thế nào khi hàng bị hỏng, là hàng giả...?" - ông Thành đặt vấn đề.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - chủ tịch Công ty CP công nghệ Sen Đỏ - cho hay các sàn đều có công cụ bảo vệ người tiêu dùng. Như với Sen Đỏ, trong vòng 48 giờ từ lúc nhận hàng hóa nếu gặp vấn đề gì thì liên hệ với sàn. Sàn sẽ khởi động quy trình giải quyết hòa giải giữa người bán và người mua, như có thể yêu cầu đền tiền một phần...
Còn để quản lý hàng giả, hàng nhái, Sen Đỏ cũng áp dụng công nghệ nhận dạng logo. Với một số thương hiệu đã đăng ký bản quyền thì Sen Đỏ sẽ yêu cầu người bán hàng phải cung cấp giấy tờ để đảm bảo hàng là chính hãng.
Theo chuyên gia, trong đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ giao cho Bộ Công thương xây dựng cơ chế bảo vệ khách hàng. Khi hành lang pháp lý buộc các sàn phải có trách nhiệm đến cùng với hàng hóa giao dịch qua sàn thì mới xây dựng niềm tin bền vững cho người tiêu dùng khi tham gia TMĐT.
Thanh toán không tiền mặt là cửa ngõ nhiều dịch vụ khác
Khi các sàn TMĐT kết hợp với NH, theo ông Phạm Tiến Dũng, các sàn bán hàng sẽ mở tài khoản không kỳ hạn ở NH mà họ hợp tác. Cái lợi rất lớn cho NH là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các NH tăng. Vì thế, các mô hình kết hợp này thường có chính sách như miễn phí vận chuyển, hoàn tiền...
Theo kết quả nghiên cứu, khi khách sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt, họ có thể sử dụng 2 - 3 dịch vụ NH khác như dịch vụ gửi tiền tiết kiệm điện tử, nếu NH phục vụ tốt... "Nên dịch vụ thanh toán không tiền mặt là cửa ngõ để khách hàng sử dụng 1,8 - 3 dịch vụ khác của NH" - ông Dũng nói.
Nhiều khuyến mãi không tiền mặt cuối năm
Thanh toán không tiền mặt tại các hệ thống thuộc Saigon Co.op dịp cuối năm có thể nhận được nhiều ưu đãi - Ảnh: Q.ĐỊNH
Là một trong số các doanh nghiệp bán lẻ đi đầu trong thanh toán không dùng tiền mặt, đại diện Saigon Co.op cho biết đơn vị đã "chạy" xuyên suốt các ưu đãi khi khách sử dụng hình thức thanh toán này.
Cụ thể, hiện đơn vị áp dụng chương trình "Chạm thanh toán - rinh quà" kéo dài đến ngày 31-1-2022. Mỗi khách có thẻ khách hàng thành viên sẽ nhận tối đa 1 quà/ngày với hóa đơn từ 500.000 đồng khi thanh toán Visa.
Saigon Co.op cũng liên kết với BIDV triển khai thêm nhiều ưu đãi từ nay đến 10-1-2022 cho thanh toán không tiền mặt. Mỗi thanh toán bằng thẻ quốc tế BIDV trên POS BIDV đặt tại Co.opmart với hóa đơn từ 1 triệu đồng trở lên sẽ được hoàn tới 10% (tối đa 200.000 đồng/hóa đơn), khách được hoàn tiền với số lần không giới hạn.
Đại diện nhiều siêu thị tại TP.HCM cũng cho biết đang làm việc với nhiều ngân hàng, Visa, ví điện tử MoMo, VnPay... để áp dụng các chương trình ưu đãi thanh toán không tiền mặt.
Tỉ lệ áp dụng thanh toán không tiền mặt tại nhiều cửa hàng nhỏ lẻ cũng tăng mạnh thời gian qua.
Là một trong nhiều đơn vị được chương trình thanh toán không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ tổ chức tặng máy Pos trước đó, đến nay thanh toán không dùng tiền mặt của cửa hàng đồ uống R&B Tea (quận Gò Vấp, TP.HCM) chiếm 90 - 95% doanh thu, tăng gấp 2 - 3 lần năm ngoái.
Ông Phan Công Thảo - chủ đơn vị này - cho biết tỉ lệ thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản, cà thẻ... tăng từng ngày, đặc biệt khi đơn vị áp dụng chương trình khuyến mãi 40% cho tới cuối năm.
N.TRÍ
TTO - Theo nhiều doanh nghiệp, lượng khách đã khởi sắc hơn khi áp dụng mức khuyến mãi sâu. Tuy vậy, sức mua vẫn đang khá thấp so với các năm trước, đặc biệt các mặt hàng không thiết yếu như thời trang, đồ gia dụng, điện tử... vẫn còn ế ẩm.
Xem thêm: mth.7422518081111202-iol-ia-nas-iov-yat-tab-gnah-nagn/nv.ertiout