Đối với nhiều người, vàng luôn có vị trí đặc biệt. Kim loại quý có thể được sử dụng làm đồ trang sức hoặc vật lưu trữ giá trị. Vàng gần như luôn tăng giá theo thời gian, là hàng rào chống lại lạm phát và giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, trong suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ tham gia đầu tư, tỷ phú Warren Buffett chẳng mặn mà với vàng. Nhà đầu tư kỳ cựu này nhiều lần lên tiếng chỉ trích kim loại quý mang lại những điều tiêu cực.
"Vàng được đào lên khỏi mặt đất ở châu Phi hoặc một nơi nào đó. Sau đó, chúng ta nấu chảy nó, rồi lại đào một cái hố khác, chôn nó xuống một lần nữa và trả tiền để người khác canh gác. Vàng không có tính thiết thực gì cả", ông ví von về việc các nhà đầu tư mua vàng rồi lại chi tiền cho ngân hàng để cất vào những kho dưới lòng đất, trong buổi phát biểu tại Harvard năm 1998.
Tỷ phú cũng từng nói "sở hữu một con ngỗng biết đẻ trứng tốt hơn rất nhiều một con ngỗng chỉ ngồi đó và ngốn tiền bảo hiểm, lưu kho hay một vài phí tương tự". Mỗi khi nhắc đến vàng, ông đều dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích.
Theo The Motley Fool, "nhà thông thái vùng Omaha" chia các khoản đầu tư trên thị trường thành ba loại. Trong đó, các khoản đầu tư bằng tiền bao gồm tiền gửi tài khoản tiết kiệm, quỹ thị trường tiền tệ, trái phiếu và các loại hình đầu tư tương tự khác. Đây là những tài sản thường được các nhà đầu tư cho là "an toàn".
Thứ hai là tài sản hữu ích, những loại có thể tăng giá theo thời gian và có thể tạo ra tài sản khác có giá trị trong quá trình phát triển. Ví dụ, nếu sở hữu một cổ phiếu, nó có thể tạo ra thu nhập từ cổ tức cho nhà đầu tư và bản thân cổ phiếu đó có thể tăng giá trị theo thời gian. Ngoài cổ phiếu, ví dụ về tài sản hữu ích là các doanh nghiệp và bất động sản cho thuê.
Cuối cùng là tài sản không sinh lời. Tỷ phú 91 tuổi luôn đặt câu hỏi với nhóm này rằng: "Ai sẽ sẵn sàng trả nhiều hơn số tiền bạn đang trả vào ngày hôm nay cho những tài sản này?".
ABC News dẫn lại lá thư gửi cổ đông năm 2011 của Warren Buffett, rằng ông xếp vàng vào nhóm tài sản không sinh lời. Nhà đầu tư cho rằng những tài sản như vàng "sẽ không bao giờ tạo ra bất cứ thứ gì, nhưng lại được mua với hy vọng người sau sẽ trả nhiều tiền hơn cho người trước". Chủ sở hữu của những tài sản như vàng "không được truyền cảm hứng bởi những gì mà bản thân tài sản đó có thể tạo ra, mà bởi niềm tin rằng những người khác sẽ khao khát nó trong tương lai".
Theo Warren Buffett, vàng có hai khuyết điểm lớn không thể vượt qua. Kim loại quý này "không hữu ích mà cũng không tạo ra giá trị". Vàng chỉ sử dụng trong công nghiệp và trang trí, nhưng nhu cầu từ hai lĩnh vực này không đủ để sử dụng hết số vàng mà con người đang đào. Bên cạnh đó, vấn đề lớn là giá trị của kim loại quý tăng hay giảm đều dựa trên những gì người khác sẵn sàng trả cho nó, không phải dựa trên khả năng tạo ra thu nhập cho chủ sở hữu.
Một trong những nguyên tắc đầu tư cơ bản của Warren Buffett là chỉ nên đầu tư vào những thứ hữu ích, phục vụ mục đích và đáp ứng nhu cầu thiết thực của con người. Cùng là kim loại quý, nhưng ông thích bạc hơn. Theo ông, bạc có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y tế. Trong y học, bạc được sử dụng cho băng bó, ống thông y tế và chữa lành vết bỏng hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Nó cũng được sử dụng để lọc nước. Trong thiết bị điện tử, bạc là kim loại dẫn điện tốt nhất và không bị ăn mòn, nên được sử dụng nhiều trong hệ thống dây điện và các bộ phận kết nối, máy tính, điện thoại di động, máy ảnh...
Lần duy nhất Warren Buffett có liên quan đến vàng là thương vụ mua 317 triệu USD cổ phiếu của công ty khai thác mỏ vàng Barrick Gold. Tuy nhiên, thương vụ chỉ kéo dài đúng một quý và được thực hiện thông qua Berkshire Hathaway - tập đoàn đầu tư do ông làm chủ.
Vì thế, rất khó xác định Warren Buffett đích thân thực hiện khoản đầu tư này, hay là hai lãnh đạo khác của Berkshire là Ted Weschler và Todd Combs. Mặt khác, không thể nói Warren Buffett đã đầu tư vào vàng vì bản chất thương vụ trên là khoản đầu tư vào một công ty khai thác vàng, chứ không phải ông trực tiếp mua vàng.
Theo The Economic Times, thời điểm Warren Buffett mua cổ phiếu Barrick Gold, nhiều nhà đầu tư thạo tin cũng điên cuồng "gom hàng". Vì thế, lúc ông kết thúc thương vụ, thị trường cũng chao đảo theo.
Tất Đạt