vĐồng tin tức tài chính 365

Vay 10 triệu đồng đóng học phí, phải trả hơn 300 triệu đồng

2021-11-19 08:20

Vay dễ nên “nợ chồng nợ”

Nữ sinh viên tên T. - học ngành ngôn ngữ Anh, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM - hiện đang hoảng loạn do bị bên cho vay gây áp lực, buộc phải trả số tiền hơn 300 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi vào chiều 16/11, thạc sĩ Hoàng Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM - xác nhận nhà trường vừa tiếp nhận thông tin như trên từ phía gia đình em T. 

 

Vào cuối năm 2020, gia đình cho T. số tiền đủ để đóng học phí nhưng T. làm mất. Rất lo lắng, T. đã quyết định không báo cho gia đình mà tự xoay xở bằng cách tìm đến các trang web cho vay được quảng cáo “giải ngân nhanh, lãi suất thấp, rất phù hợp với điều kiện của sinh viên”. Do cho vay không thế chấp nên T. chỉ được vay 4-5 triệu đồng, nhưng số tiền thực lãnh chỉ hơn 3 triệu đồng. T. đã vay khoảng 10 triệu đồng để đóng học phí và cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền trả nợ. Cứ mỗi lần gần tới hạn trả, khi không đủ khả năng chi trả, T. lại được trang web cho vay gợi ý những app cho vay khác để T. tiếp tục vay mới, lấy tiền trả nợ cũ. Đến tháng 11 năm nay, khi tổng số tiền cả gốc lẫn lãi các khoản mà T. phải trả lên đến hơn 300 triệu đồng, vượt xa khả năng xoay xở của T., phía cho vay gây áp lực đòi nợ, T. đành thú nhận với gia đình. Hiện nhà trường đã hỗ trợ tư vấn luật cho T. và gia đình. T. cũng chưa từng gặp phía cho vay mà chỉ giao dịch trực tuyến. 

Thực tế, các trang web, ứng dụng cho vay trực tuyến đang len lỏi ngày càng sâu vào đời sống sinh viên bởi thủ tục cho vay rất đơn giản. “Tới giờ, em chưa từng gặp những người cho vay. Em chỉ cần gửi hình chụp giấy chứng minh nhân dân (CMND), thẻ sinh viên và số tài khoản là vay được ngay” - T. kể. 

Sinh viên - con mồi của các app tín dụng đen

Trên mạng xã hội Facebook và YouTube, có không ít hội, nhóm được lập ra chỉ dành cho sinh viên vay tiền, mỗi nhóm có ít nhất 5-10 app, như nhóm “5 app vay tiền sinh viên online lý tưởng”, “Vay tiền online dành cho sinh viên”, “Hỗ trợ sinh viên vay tiền”… 

 

Theo chia sẻ của một nhân viên tín dụng, nếu khách vay là sinh viên có năm sinh từ 2000 trở đi thì các app sẽ duyệt khoản vay nhanh chóng, số tiền vay cũng cao hơn bình thường. Nhiều app còn đang ưu tiên sinh viên đang dùng số điện thoại Viettel vì có đăng ký thông tin địa chỉ nhà ở nên dễ truy tìm, đòi nợ. Như với sinh viên T. nói trên, nhiều app như Tamo, Senmo sẵn sàng cho vay đến 16-17 triệu đồng/lượt vay. “Tâm lý sinh viên thường không vững vàng, sẽ xấu hổ với gia đình và bạn bè nếu chẳng may thông tin vay nợ bị phát tán trên mạng xã hội nên sẽ tìm mọi cách để trả nợ. Vì vậy, đây là nhóm khách mà các app ưa thích đang hướng đến”, nhân viên tín dụng này nói. 

Khi chúng tôi liên hệ với nhóm “Hỗ trợ sinh viên vay tiền”, một phụ nữ tên Diệp đã giới thiệu hàng loạt app cho vay như Avay, Senmo, Tamo, Moneyveo, Vaytienloi, Vayquade, Jeff… Theo đó, tất cả sinh viên học các trường cao đẳng, đại học ở TPHCM đều được hỗ trợ vay, số tiền 7,5 triệu đồng/lượt vay đầu và tăng lên 15 triệu đồng cho lượt hai, lượt ba. Theo bà Diệp, để hồ sơ đăng ký dễ giải ngân, ngoài bản photocopy CMND, người vay nên cung cấp thêm thẻ sinh viên hoặc bảng điểm. 

Một số app khác như Tiện Lợi, Findo, Cash24h, Moneycat, Vay quá dễ, Oncredit… quảng cáo rằng, do sinh viên không có thu nhập nên sẽ hỗ trợ vay với lãi suất 0% trong đợt đầu, hạn mức vay từ 500.000 đến 15 triệu đồng, thời gian vay tối thiểu 91 ngày và tối đa là 182 ngày. “Nếu chị vay 1 triệu đồng, lãi suất 12% thì số tiền đến hạn thanh toán chỉ là 1.029.000 đồng” - một nhân viên app CarpCredit nói với chúng tôi. 

 

Nhiều sinh viên nghe giới thiệu chương trình vay hấp dẫn nên không ngần ngại đăng ký, nhưng sau đó mới té ngửa khi bị trừ phí quản lý, phí làm hồ sơ với mức cao, thời hạn vay cũng khá ngắn. Như app H51.CarpCredits, thông báo ngày thanh toán 25/11/2021, số tiền thanh toán 3 triệu đồng, bằng số tiền vay nhưng thực tế, tổng số tiền phải trả là 4,61 triệu đồng trong thời hạn 14 ngày. App Vitogen cho vay 3,5 triệu đồng, số tiền gốc và lãi phải trả là 5,384 triệu đồng. App Mango cho vay 2,5 triệu đồng nhưng tiền gốc và lãi phải trả lên đến 3,84 triệu đồng. App Sunshine Loans cho vay 5 triệu đồng nhưng tiền gốc và lãi lên đến 7,69 triệu đồng. Như vậy, lãi suất lên đến khoảng 50%/14 ngày, tương đương 1.200%/năm, một mức lãi suất vô cùng khủng khiếp. Theo một cán bộ làm công tác sinh viên của một trường đại học ngoài công lập ở TPHCM, nhiều sinh viên đã phải bỏ học cũng do vay tiền từ tín dụng “đen”, bị đe dọa. 

Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã đưa ra cảnh báo đối với toàn thể sinh viên của trường, khuyến cáo tránh xa tín dụng “đen”. Nếu thực sự gặp khó khăn, có nhu cầu vay tiền, sinh viên cần tìm tới các ngân hàng, các ứng dụng cho vay đã được cấp phép. “Khi gặp khó khăn về tài chính, sinh viên nên chia sẻ với người thân hoặc nhờ trung tâm hỗ trợ sinh viên tư vấn, hỗ trợ ” - thạc sĩ Hoàng Thị Thoa khuyên. Theo bà, ngoài việc hỗ trợ để sinh viên được vay vốn học tập từ ngân hàng chính sách địa phương, nhà trường cũng có chính sách hỗ trợ, nhất là đối với những sinh viên gặp khó khăn đột xuất về tài chính.

Nhiều trường đại học ở TPHCM cũng ra thông báo trên website, fanpage của trường về vấn nạn tín dụng đen để cảnh báo cho sinh viên, trong đó khuyến cáo sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ hoặc trên các ứng dụng, diễn đàn không rõ ràng. Khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính, sinh viên nên liên hệ với nhà trường để được hỗ trợ. 

Nhiều ngân hàng, công ty tài chính có chương trình cho sinh viên vay

Đại diện Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho biết, ngân hàng này đang có sản phẩm dành cho sinh viên vay siêu tốc trong vòng 1 giờ dưới hình thức phát hành thẻ ghi nợ miễn phí và thẻ này có thể rút tiền, chuyển tiền tại ATM, quầy giao dịch. Điều kiện áp dụng là sinh viên chính quy các trường đại học, cao đẳng. Hồ sơ vay gồm CMND, thẻ sinh viên, xác nhận thông tin sinh viên có dấu mộc của khoa hoặc trường. Số tiền vay từ 3-9 triệu đồng, lãi suất vài chục ngàn đồng/tháng. 

Công ty tài chính FE Credit có chương trình cho sinh viên vay qua sim điện thoại Viettel. Nếu vay 25 triệu đồng, lãi suất là 2,95%/tháng; nếu vay 40 triệu đồng, lãi suất là 2,17%/tháng; nếu vay 50 triệu đồng, lãi suất là 1,4%/tháng. Điều kiện vay là đang sử dụng sim Viettel, thời gian càng lâu càng tốt, không có nợ xấu ở bất kỳ ngân hàng hoặc công ty tài chính nào, nếu đang có khoản vay mua trả góp tại FE Credit thì phải trả được bốn tháng trở lên. Hồ sơ chỉ gồm bản gốc CMND, bản gốc sổ hộ khẩu, một ảnh 3x4.

Công ty tài chính HD Saison có chương trình cho sinh viên vay qua app HD Saison (chỉ áp dụng cho hệ điều hành Android), chỉ yêu cầu cung cấp CMND và một số giấy tờ khác. Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (EVN Finance, sở hữu thương hiệu Easy Credit) cho sinh viên vay qua app Viettel Pay, chỉ yêu cầu cung cấp CMND, lãi suất vay 1,7%/tháng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng phối hợp các trường đại học, cao đẳng hỗ trợ sinh viên vay vốn nhưng chỉ phát vay cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có giấy xác nhận của nhà trường, được gia đình hoặc người thân đứng ra làm thủ tục. Mỗi sinh viên được giải ngân 2,5 triệu đồng/tháng với mức lãi suất 0,65%/tháng. 

Tiêu Hà - Thanh Hoa

Xem thêm: lmth.0501541a-gnod-ueirt-003-noh-art-iahp-ihp-coh-gnod-gnod-ueirt-01-yav/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags: vay

“ Vay 10 triệu đồng đóng học phí, phải trả hơn 300 triệu đồng ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools