Cơ quan chức năng Đắk Lắk kiểm tra một đại lý thuốc bảo vệ thực vật bán hàng giả có chứa chất cấm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cùng với đó là khoảng 1.700 hoạt chất hóa học với trên 4.000 tên thương mại các hóa chất bảo vệ thực vật được thông qua, trong đó có nhiều chất mà EU đã cấm hoặc cảnh báo khiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lo ngại.
Theo Bộ NN&PTNT, đơn vị này chuẩn bị ban hành danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam vào cuối tháng 11 này với một danh mục lên tới 253 trang, với gần 1.700 hoạt chất và trên 4.000 tên thương phẩm.
Trong số đó, thuốc trừ sâu có 662 hoạt chất với 1.568 tên thương phẩm; thuốc trừ bệnh gồm 623 hoạt chất với 1.380 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ có 250 hoạt chất với 706 tên thương phẩm. Còn lại là các loại thuốc trừ chuột, điều hòa sinh trưởng, chất dẫn dụ côn trùng, thuốc trừ ốc, thuốc trừ muỗi, chất hỗ trợ (chất trải)...
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, với số lượng hoạt chất và tên thương phẩm được cấp phép nói trên, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có danh mục thuốc bảo vệ thực vật đa dạng nhất thế giới.
Nhưng ngoài 4.000 tên thương phẩm được cấp phép kinh doanh, trong thực tế số tên các sản phẩm ngoài thị trường sẽ gấp khoảng 2-5 lần bởi hiện tượng làm giả, ăn theo, gian lận thông tin, nhãn mác tràn lan.
Đáng lo ngại là việc cấp phép nhiều nhưng quản lý của Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ thực vật thời gian qua “có vấn đề” khi hàng loạt “chất cấm” độc hại như 2,4D, paraquat, glyphosate, chlorpyrifos ethyl… vẫn được buôn bán tràn lan trên thị trường.
Các chất trừ cỏ cấm như 2,4D, paraquat, glyphosate... vẫn được buôn bán tràn lan trên thị trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một trong những hoạt chất được phép lưu hành tại Việt Nam nhận được sự quan tâm của chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu là thuốc trừ cỏ diquat. Đây là một chất độc tương tự với paraquat (đã bị Việt Nam cấm từ năm 2019) và hoạt chất này cũng bị EU cấm sử dụng trong nông nghiệp từ năm 2019. Thế nhưng trong thông tư mới, Bộ NN&PTNT vẫn cấp phép cho 23 tên thương phẩm mới được sử dụng tại Việt Nam, trong khi năm 2020 chỉ có 1 chất gốc diquat được cấp phép.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam (AFT), cho biết, trong danh mục chất bảo vệ thực vật mà Bộ NN&PTNT sắp ban hành có nhiều chất mà EU đã liên tục cảnh báo đối với các lô hàng nông sản nhập khẩu tử Việt Nam trong các tháng qua.
Đáng lo ngại là chất diquat sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam đã bị EU cấm từ năm 2019, cần hạn chế sử dụng tiến tới loại bỏ thì trong danh mục sắp ban hành có 23 tên thương mại của diquat được phép kinh doanh.
“Để có một nền nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, an toàn và thân thiện môi trường có rất nhiều việc phải làm. Nhưng trước hết và ngay trong tầm tay của Bộ NN&PTNT là loại ngay tất cả thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm sử dụng ở các nước nhập khẩu, dưới các tên thương mại khác nhau, khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật sắp được công bố cho lưu hành”, bà Hồng Minh đề nghị.
Hàng giả (bên trái) có bao bì giống hệt hàng thật (bên phải) nhưng bên trong chứa chất cấm gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng và rủi ro cho xuất khẩu - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo các chuyên gia nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan đang thiếu kiểm soát chất cấm dẫn tạo ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp.
Sau khi cảnh báo liên tục các lô hàng nông sản, thực phẩm từ Việt Nam chứa các chất bảo vệ thực vật cấm hoặc vượt ngưỡng cho phép vào tháng 9 và tháng 10-2021, mới đây Ủy ban châu Âu đã đăng công báo về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Trong đó nhiều mặt hàng của Việt Nam bị nâng tần suất kiểm tra.
Mới đây, Trung Quốc cũng đã nâng mức độ cảnh báo hoặc hàng rào kỹ thuật đối với nông sản, thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.
TTO - Với nhiều cảnh báo về dư lượng chất cấm trong nông sản Việt Nam xuất khẩu cùng nhiều lô hàng bị trả về gần đây cho thấy dù đã bị cấm sản xuất và kinh doanh, nhưng nhiều chất độc hại vẫn đổ xuống ruộng đồng Việt Nam.
Xem thêm: mth.33681943281111202-neib-tod-gnat-tauqid-oc-urt-tahc/nv.ertiout