Bị cáo Diệp nói gì trong phiên xét xử?
Phiên xử sơ thẩm đối với Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM; Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương, gọi tắt là Công ty Diệp Bạch Dương cùng 8 cựu cán bộ Nhà nước liên quan vừa kết thúc phần tranh luận.
Trải qua gần 3 ngày xét xử, bà Dương Thị Bạch Diệp kêu oan, khẳng định mình không lừa ai cả. Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Tài – người bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng lấy khu đất 57 Cao Thắng thừa nhận trách nhiệm.
Nhóm 8 bị cáo là cựu cán bộ Nhà nước cũng thừa nhận tội nhưng mong được xem xét về bối cảnh, thời điểm phạm tội để có mức án phù hợp nhất.
Trong lời nói sau cùng, bà Dương Thị Bạch Diệp cho rằng: “Trong vụ hoán đổi này, tôi bị lừa. Tôi mong HĐXX xem xét lại khoản vay 67.000 lượng vàng VKS đưa ra trong cáo trạng, là dùng căn cứ giả mạo để buộc tội tôi.
Tôi luôn tự hào về bản thân mình, tôi chưa từng làm gì sai trái với bản thân và pháp luật. Nhưng thực tại rất đau đớn....Tôi bị oan, họ muốn hại tôi, xin tòa xem xét”, bị cáo Diệp nói.
Trước đó, bà Dương Thị Bạch Diệp và các luật sư bào chữa cho bà cũng nêu ra nhiều chứng cứ, quan điểm khẳng định nữ bị cáo không phạm tội.
Theo bà Diệp, bị cáo từng là cán bộ Nhà nước được nhà nước tặng thưởng huy chương nhưng cáo trạng không đề cập đến là thiếu công bằng đối với bị cáo. Bị cáo không có hành vi lừa đảo, trong khi cáo trạng quy buộc, mô tả hành vi phạm tội của bị cáo như một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.
Để chứng minh cho mình mình bị oan, bà Diệp cho rằng đã bị đánh tráo nội dung hợp đồng tín dụng và tài sản thế chấp, bởi trên thực tế tài sản là khu đất 57 Cao Thắng không hề thế chấp trong hệ thống ngân hàng.
Từ đó, bà Diệp đề nghị tòa làm rõ tính xác thực của các tài liệu, mà theo theo bà Diệp là bị làm giả để buộc tội bà.
Trong phần tự bào chữa, bà Diệp nhiều lần mất bình tĩnh, không kiềm chế được cảm xúc và thốt lên: “Tôi đau khổ vô cùng, tôi bị oan”.
Tuy nhiên, lời tự bào chữa và các quan điểm của luật sư bào chữa cho bà Diệp không được đại diện VKS chấp nhận. Cơ quan công tố vẫn bảo lưu quan điểm truy tố bà Diệp tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị tòa tuyên nữ bị cáo an chung thân.
Ông Nguyễn Thành Tài: “Tôi không phải người xấu, không phải phần tử cơ hội”
Tại các phiên tòa trước đó, ông Nguyễn Thành Tài cho rằng, chủ trương hoán đổi đất không phải là của ông mà ông chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND.
"Tôi không thoái thác trách nhiệm mà chỉ xin làm rõ trách nhiệm, sự việc xảy ra trong thời gian dài suốt 2 nhiệm kỳ. Thậm chí, đến khi tôi nghỉ hưu thì quá trình hoán đổi vẫn chưa thực hiện, sau đó mới được thực hiện”, ông Tài nói.
Dù thời điểm này, ông Nguyễn Thành Tài không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước nhưng vẫn chỉ đạo các Sở ban ngành nghiên cứu và có ý kiến đề xuất. Về điều này, ông Tài thừa nhận không có quyết định phân công mà vì là Phó chủ tịch thường trực nên tham gia.
Sau đó ông Tài nói rằng tại thời điểm nhận đơn xin hoán đổi thì nghĩ mình không sai vì làm đúng về mặt chủ trương, ông Tài cũng không phải là người trực tiếp gây ra hậu quả và việc hoán đổi này diễn ra thời gian dài, trải qua 2 nhiệm kỳ công tác.
Trong lời nói sau cùng, ông Tài đau đớn khi bước qua ngã rẻ cuộc đời trong tù tội. “Sau 8 năm về hưu thì bị bắt, tôi rất sốc. Tôi sốc vì ngày 8/12/2018, tôi chuẩn bị bài giảng cho một lớp cao cấp thì bị bắt. Đó là một bi kịch. Trong trại tạm giam, tôi suy nghĩ mãi. Ba năm loanh quanh trong bốn bức tường giam, tôi hỏi mình là ai?, tại sao bây giờ lại ở tù?.
Tôi nhận ra mình không phải là một con người trọn vẹn, hoàn mỹ, còn nhiều khuyết điểm, nhưng không phải là con người xấu. Bản thân tôi không phải là phần tử cơ hội, gây nguy hiểm cho xã hội”, ông Tài trình bày.
Đồng thời, ông Tài bảy tỏ sự hối tiếc nhất là chưa làm tròn chữ hiếu: “Mẹ tôi đưa 4 người con đi bộ đội và 3 người ngã xuống. Giờ mẹ chưa biết tôi đi tù, vẫn nghĩ đi học, còn bảo 70 tuổi rồi còn học gì nữa. Tôi không để lại gì cho mấy đứa con. Tôi hứa sẽ sống xứng đáng, nhưng không làm được”.
“Tôi không kêu ca, trách móc, oán than. Tôi chỉ xin một sự công bằng, với tư cách một con người, một công dân, và tư cách của một người lính từng đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, không chỉ cho tôi mà còn cho những người trước đây từng là cấp dưới của tôi. Đến giờ phút này, tôi không xấu hổ với những gì mình đã làm”, ông Tài chia sẻ.
Ông Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM nghẹn giọng: Trước phiên tòa thì ông phát hiện ra là ung thư. Bác sĩ nói chữa nhưng ông từ chối, vô tù mẹ chết nhưng không được về nên đau khổ. “Tôi dám làm dám chịu, nhưng tôi không phải ngoan cố”, bị cáo Kiệt nói.
Các bị cáo khác bày tỏ vì sự chủ quan nên những năm cuối sự nghiệp đã xảy ra sai phạm, gây mất niềm tin của nhân dân và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên bà Dương Thị Bạch Diệp án chung thân; ông Nguyễn Thành Tài từ 5 – 6 năm tù; nhóm 8 cựu cán bộ Nhà nước còn lại bị đề nghị từ 3 năm tù trên đến 6 năm tù giam.
Theo thông báo, 16h chiều nay (19/11) tòa tuyên án.