Cô giáo Trần Thị Kim Hòa chia sẻ, ở ngôi trường cô đang giảng dạy, các em học sinh còn nhiều thiếu thốn, không đủ sách vở, đồ dùng học tập - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Ngày 19-11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức diễn đàn "Áp dụng công nghệ đổi mới việc dạy và học cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn".
Tại diễn đàn, dù mỗi người chỉ có vài phút trao đổi về ý kiến, tâm huyết trong công tác giảng dạy, nhưng mỗi thầy cô giáo từ cơ sở đều tranh thủ dành thời gian quý báu đó để "đi xin" cho trò.
Cô Lương Thị Tuyết (Trường PTDTBT THCS Thắng Mố, Hà Giang) chia sẻ, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, khi triển khai học trực tuyến không phải học sinh nào cũng có thiết bị học tập, không phải nơi nào cũng phủ sóng điện thoại.
Do đó, thời gian các em không được đến trường thì cô giáo Tuyết là bí thư đoàn trường phải kết hợp với bí thư đoàn xã để mang bài tập, bài kiểm tra đến thôn bản cho các em.
Cô Tuyết gửi gắm ước muốn được trang bị thêm phương tiện, thiết bị để học sinh được theo học trực tuyến, để các em có cơ hội tiếp cận thêm những bài giảng, kiến thức bổ ích khác.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT trao bằng khen cho các thầy cô giáo trong chương trình tuyên dương "Chia sẻ cùng thầy cô" - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Cô Trần Thị Kim Hòa (THPT bán trú Lê Văn Tám, Gia Lai) cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng trường không thể áp dụng dạy trực tuyến vì điều kiện học sinh còn nhiều thiếu thốn. Thầy cô nhà trường phải áp dụng giao phiếu bài tập đến tận nhà cho các em. Tuy nhiên, việc giao phiếu bài tập này rất khó khăn, phải nhờ đội ngũ trưởng làng hỗ trợ phát - thu phiếu bài tập.
Cô Hòa bộc bạch: khi dịch COVID-19 xảy ra, rất khó để liên lạc với phụ huynh, học sinh. Muốn liên lạc được thì phải vào đến tận làng, tận nhà, do đó phải vào thường xuyên.
Trường cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn. Cả trường chỉ có một chiếc tivi, giáo viên muốn sử dụng phải đăng ký. Cô giáo rất mong muốn dạy tiết học sử dụng PowerPoint dạy về áp dụng công nghệ, nhưng chỉ có một cái tivi nên phải luân phiên đăng ký.
"Dân ở xã em nghèo, nên hầu như các em chẳng có đồ dùng dù đơn giản như bút, vở, nhà trường phải mua hỗ trợ 100%. Giáo viên phải cố gắng mua bút hỗ trợ học sinh, em nào dùng bút chì thì hỗ trợ bút chì, em nào dùng bút mực thì hỗ trợ bút mực. Chúng em giữ gìn lắm, đến giờ phát bút chì ra, cuối giờ thì thu lại.
Đầu năm, nhà trường hỗ trợ giáo viên và vận động phụ huynh đóng góp hỗ trợ mua bút cả năm cho các con. Tuy nhiên có những lúc thấy phụ huynh giắt tiền sâu trong túi lắm, vò vò ra tờ tiền 5.000 đồng, 10.000 đồng để nộp cho cô mà cô giáo không nỡ nhận vì phụ huynh còn khó khăn lắm. Nhiều khi cô giáo tự nhủ phải cố gắng hơn chút để các em có bút viết", cô Hòa xúc động.
Sáng cùng ngày, thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh bày tỏ niềm vui được gặp mặt các thầy cô giáo trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô". Thứ trưởng nhấn mạnh các thầy giáo, cô giáo là tấm gương tiếp tục lan tỏa đến cộng đồng, chính thầy cô là người khơi dậy cho học sinh khát vọng cống hiến.
Thứ trưởng nhấn mạnh mỗi thầy cô là một hạt nhân lan tỏa đến đồng nghiệp, học sinh có lý tưởng sống, cống hiến; đóng góp đưa vị thế ngành giáo dục nâng lên bước nữa.
Khi mới ra trường, cứ đến ngày 20-11 là cả lớp lại rôm rả rủ nhau về thăm trường cũ, thăm thầy cô. Rồi mỗi năm trôi qua, những chuyến trở về thưa dần…