Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, việc sử dụng sàn thương mại điện tử (TMĐT) để bán hàng đã được các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt và thích nghi.
Những doanh nghiệp thích nghi trong đại dịch
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, hoặc hoạt động cầm chừng, nhiều chuỗi sản xuất - cung ứng bị đứt gãy.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ số, nên vẫn có bước phát triển, duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động. Điển hình như Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech (đường Phượng Hoàng, phường Đông Cương, Tp.Thanh Hóa) trong 2 năm 2020-2021 đã phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm lên đến 30 nhà phân phối và 300 đại lý trong cả nước, với mức tiêu thụ sản phẩm năm sau luôn cao hơn năm trước.
Chị Bùi Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty, cho biết: “Công ty đã đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT như Tiki, Shopee, Sendo… Hiện tại, mỗi năm công ty xuất bán 600.000 sản phẩm các loại. Hơn một nửa số sản phẩm này được tiêu thụ bằng các kênh TMĐT”.
Các sản phẩm mắm Vị Thanh của Hợp tác xã (HTX) chế biến thủy sản Hải Bình (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) lên sàn TMĐT chưa được bao lâu nhưng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Theo anh Nguyễn Thế Hoàng, Giám đốc HTX: “Tôi cũng là một khách hàng thường xuyên của các trang TMĐT nên biết rất rõ lợi ích, thế mạnh của nó. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi, lượng người mua hàng online tăng mạnh thì TMĐT là kênh tiêu dùng hiệu quả.
Vì vậy, từ tháng 8/2021 tôi đưa các sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm tép… thương hiệu Vị Thanh lên các sàn Lazada, Shopee… bước đầu được khách hàng ghi nhận và thường xuyên có đơn đặt hàng. Tôi nghĩ đây là cơ hội để quảng bá, phát triển sản phẩm của mình trên kênh bán hàng mới, với nhiều khách hàng tiềm năng”.
Nhờ đa dạng hóa các kênh bán hàng, nên trong 9 tháng năm 2021, HTX chế biến thủy sản Hải Bình vẫn bán được hơn 9.000 lít nước mắm các loại và khoảng hơn 20 tấn mắm tôm, tép, thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.
Nhằm đa dạng hóa kênh bán hàng, anh Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) có định hướng rõ ràng: “Ngay khi bắt tay vào sản xuất, tôi đã xác định phát triển theo hướng công nghệ cao. Cùng với hiện đại hóa khâu sản xuất thì việc quảng bá, phân phối sản phẩm trên môi trường mạng internet cũng được doanh nghiệp quan tâm. Theo đó, đảm bảo sản phẩm lên sàn TMĐT mang tính chuyên nghiệp, tôi đã cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm, biết cách thực hiện giao dịch trên môi trường mạng, xây dựng thương hiệu sản phẩm”.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, các kênh bán hàng truyền thống vì thế mà bộc lộ những hạn chế, tạo ra thách thức và cũng là cơ hội để doanh nghiệp, nhà sản xuất tìm cách thích ứng với phương thức bán hàng mới hiệu quả, an toàn, tiện lợi.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động đẩy mạnh hoạt động TMĐT, coi đây là một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả, góp phần tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho người dân, doanh nghiệp. Không những thế, sàn TMĐT còn giúp doanh nghiệp nắm bắt nhanh thị yếu, nhu cầu khách hàng thông qua phản ánh về chất lượng sản phẩm. Và tiện lợi hơn cả là các sàn TMĐT hoạt động 24/24 giờ, tiện lợi hơn hẳn các cửa hàng truyền thống phải mở cửa theo lịch, hoặc phải tạm dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện Thanh Hóa có 2 sàn TMĐT được Bộ Công Thương cấp phép và 166 website bán hàng có địa chỉ tại Thanh Hóa. Nhằm hỗ trợ nhà sản xuất, doanh nghiệp và người dân ứng dụng TMĐT, hàng năm Sở Công Thương đều phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam mở các lớp tập huấn ứng dụng TMĐT, kỹ năng bán hàng, hướng dẫn cách thức đưa sản phẩm lên sàn, xây dựng hình ảnh và thương hiệu sản phẩm…
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), cho biết: “Sở Công Thương đã phối hợp với VNPT Thanh Hóa giúp doanh nghiệp xây dựng website TMĐT miễn phí, phù hợp với mô hình và sản phẩm đưa lên sàn. Với những doanh nghiệp có mong muốn đưa sản phẩm lên sàn, sở sẽ hỗ trợ đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn TMĐT...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tổ chức các buổi học tập kinh nghiệm tại địa phương đã thành công đưa sản phẩm đặc sản lên sàn TMĐT như Sơn La, Hưng Yên, Bắc Giang...”.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT, nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng marketing trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường số phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thanh Hóa. Qua đó góp phần đẩy mạnh hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh, phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Linh hoạt tìm giải pháp
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo "Phát triển thị trường cho doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số" được tổ chức vào ngày 18/11 vừa qua, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố mới đây cho thấy, những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.
Cùng với đó, giá trị mua sắm doanh thu thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua.
Theo thống kê, nếu như năm 2016 con số này đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019 mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18 % so với năm trước.
Đặc biệt, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm tới.
Đáng lưu ý, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.
Hơn nữa, có tới 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm thuật số của người dùng Việt Nam.
Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).
Theo các chuyên gia, thị trường thương mại điện tử đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đặc biệt trong năm 2020 và 2021, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh thì thị trường thương mại điện tử đã trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu giúp các doanh nghiệp vừa giao dịch được với khách hàng, vừa đảm bảo các yêu cầu trong phòng chống dịch.
Vì vậy, thời gian tới thương mại điện tử sẽ là xu hướng mua sắm mới với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Đây là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp sản xuất phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi, mang tiện ích và trải nghiệm tốt đến cho người tiêu dùng.
Hơn nữa, thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng cũng buộc doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chuyển dịch mới kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, mặc dù thị trường thương mại điện tử đang phát triển khá nhanh và ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Chẳng hạn như quy mô phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương chưa đồng đều; việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thương mại điện tử vẫn còn khá phổ biến; thách thức cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử trong nước với sàn nước ngoài; niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến chưa cao.
Ngoài ra, thách thức về an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Mặt khác, hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, nhân lực hiểu rõ và tham gia vận hành hệ thống thương mại điện tử còn thiếu... Những khó khăn này đòi hỏi cả sự đồng hành cùng tìm giải pháp để phát triển thị trường cho các doanh nghiệp đang chuyển đổi và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hương Anh (tổng hợp)