Các đại biểu ký cam kết biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phát triển thẻ nội địa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Có thể nói, "kỷ nguyên" không dùng tiền mặt đã mở ra tại Việt Nam khi nhiều người dân đã chấp nhận hình thức thanh toán tiện lợi này.
Từ vỏn vẹn vài phần trăm, thanh toán không tiền mặt tại các siêu thị và cửa hàng đã tăng lên đến 40 - 50%.
Thanh toán không tiền mặt đã đi "bước chân thần tốc" mà bình thường phải mất vài năm. Các chuyên gia đã khẳng định như vậy tại hội thảo "Tiến đến quốc gia không tiền mặt" do báo Tuổi Trẻ, Vụ Thanh toán và Vụ Truyền thông (NH Nhà nước) phối hợp tổ chức vào ngày 19-11.
Thanh toán không gián đoạn
Phát biểu tại hội thảo, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đến nay, trên ứng dụng mobile banking, ví điện tử và hệ sinh thái số của các NH, trung gian thanh toán, người dân không chỉ đơn thuần chuyển tiền mà thanh toán, chi trả cho hầu hết mọi nhu cầu mua sắm, giao dịch hằng ngày như học phí, viện phí, gọi xe, giao nhận hàng, đặt mua vé máy bay...
"Nhờ đó, thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh hằng năm 90% về số lượng và 150% về giá trị. Nhiều NH đạt hơn 90% giá trị giao dịch trên kênh số. Trong 9 tháng đầu năm 2021, thanh toán qua điện tử liên NH tăng 41,4% về giá trị so với cùng kỳ; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị…", bà Hồng nói.
Ông Lưu Tuấn Nghĩa - giám đốc phát triển kinh doanh, mảng chấp nhận thanh toán Visa Việt Nam - dẫn nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa do CLEAR vừa triển khai, được khảo sát trên 6.520 người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á, cho thấy thanh toán tiền mặt ngày càng giảm tại Việt Nam và sẽ tiếp tục giảm nhiều hơn nữa.
Ít nhất 65% người tiêu dùng cho biết lượng tiền mặt trong ví đã giảm, thay vào đó là nhiều thẻ và các phương thức thanh toán không tiếp xúc.
Cũng theo khảo sát, hơn 70% người tiêu dùng đã trải nghiệm không dùng tiền mặt và sử dụng các hình thức thanh toán số. "Hơn một nửa số người quyết tâm không dùng tiền mặt có thể không dùng tiền mặt trong khoảng thời gian ít nhất một tuần.
Nhiều thói quen mới hình thành sau đại dịch, trong đó nhiều lĩnh vực được dự đoán sẽ hoàn toàn không dùng tiền mặt", ông Nghĩa cho biết.
Thời gian qua, nhiều NH như Vietcombank, Agribank, SHB, Sacombank, VietinBank… đã cung ứng nhiều dịch vụ, sản phẩm góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Dũng, phó thống đốc NH Nhà nước, sự kết nối và chia sẻ giữa các ngành là điều vô cùng quan trọng. Bởi ngành NH không thể đi một mình, không thể thanh toán hóa đơn cho ngành điện nếu không kết nối với ngành điện, không biết khách hàng sử dụng bao nhiêu số điện.
"Trải nghiệm của khách hàng, của người dùng là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số và hoạt động NH số. Chúng ta phải lấy người sử dụng làm trọng tâm" - ông Dũng nói.
Đồng thời cho biết NH Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, kết nối và chia sẻ dữ liệu NH với các dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; hình thành các mô hình NH số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật…
Đồ họa: N.KH.
Người dùng được bảo vệ
Trả lời câu hỏi làm sao để đạt được mục tiêu 80% người trên 15 tuổi mở tài khoản tại NH như "Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025" đặt ra, bà Trần Thu Hương, giám đốc chiến lược kiêm giám đốc khối NH bán lẻ VIB, cho biết theo quy định hiện nay người mở tài khoản NH chính danh phải từ 15 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, các NH có đủ khả năng về mặt giải pháp, công nghệ để có thể "nới lỏng" quy định, 10 tuổi là có thể được mở tài khoản và có thẻ riêng.
Trong xã hội không tiền mặt, theo bà Hương, phải có cách truyền thông giáo dục để lứa tuổi này làm quen với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đưa nội dung giáo dục tài chính vào trường học.
"Các NH, trong đó có VIB, không chỉ hướng đến đối tượng là người lớn mà còn hướng đến đối tượng gia đình và cả những đứa trẻ trong gia đình đó nữa. Với định hướng của NH Nhà nước và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều NH, các dịch vụ NH sẽ được xã hội hóa và trở nên phổ biến", bà Hương nói.
Trong khi đó, theo ông Trần Công Quỳnh Lân, phó tổng giám đốc VietinBank, các NH phải hướng đến khách hàng, những hành vi tiêu dùng hằng ngày của khách hàng để cung cấp những dịch vụ mà khách hàng cần.
Các NH cũng phải lồng ghép dịch vụ vào hoạt động mua sắm, tiêu dùng để người dân có thể thanh toán đơn giản, dễ dàng nhất có thể. "Vừa rồi VietinBank cung cấp dịch vụ đặt tên cho số tài khoản, thay vì phải nhớ số tài khoản. Người dân cảm thấy vui khi sử dụng dịch vụ NH", ông Lân dẫn chứng.
Với lo ngại của người dân về các vấn đề an toàn, bảo mật khi sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, bà Lê Thị Thúy Sen - vụ trưởng Vụ Truyền thông NH Nhà nước - cho biết NH Nhà nước sẽ truyền thông cho người tiêu dùng hiểu được hàng triệu triệu giao dịch mới có 1 giao dịch rủi ro, gần như an toàn tuyệt đối.
Các NH cũng đưa ra các tầng nấc bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính. "Tuy nhiên, người dùng cũng phải có kiến thức, không thể cho người khác mượn thẻ, cung cấp mã OPT cho người khác...", bà Sen nói.
Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết công nghệ an toàn bảo mật đặc biệt quan trọng và NH Nhà nước đã đặt ra yêu cầu với các NH về lộ trình thực hiện.
"Riêng Sacombank đã nâng cấp hệ thống bảo mật giao dịch trực tuyến 3D secure lên phiên bản 2 vào năm 2020, giúp gia tăng trải nghiệm và độ an toàn bảo mật cho các giao dịch trực tuyến của khách hàng", ông Tâm nói.
Đồ họa: N.KH.
Không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài.
Trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, nhu cầu và hành vi tiêu dùng của người dân có xu hướng thay đổi từ giao dịch gặp mặt trực tiếp sang tương tác chủ yếu qua các kênh số đối với hầu hết các dịch vụ trong xã hội.
Phó thủ tướng đánh giá cao việc NH Nhà nước chủ động nghiên cứu, ban hành kịp thời các cơ chế chính sách về chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như mở tài khoản thanh toán trực tuyến eKYC, tiền di động (mobile money)...
Bên cạnh đó, sự phối hợp tích cực và đóng góp quan trọng của các đơn vị truyền thông báo chí, trong đó có báo Tuổi Trẻ với các chuỗi sự kiện và hoạt động về "Ngày không tiền mặt" được tổ chức, triển khai liên tục trong 3 năm qua.
Thông qua các bài báo, các sự kiện truyền thông đã giúp người dân hiểu và trải nghiệm nhiều hơn giải pháp không dùng tiền mặt trong giao dịch sinh hoạt hằng ngày.
Cũng theo ông Khái, chuyển đổi số hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.
"Thay mặt Chính phủ, một lần nữa tôi đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng "Ngày không tiền mặt" (ngày 16 tháng 6 hằng năm) của báo Tuổi Trẻ và sự chỉ đạo, định hướng kịp thời của NH Nhà nước, các bộ ngành trung ương và địa phương" - Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Bà Lê Thị Thúy Sen (vụ trưởng Vụ Truyền thông, NH Nhà nước):
Hướng tới giới trẻ, phụ nữ, người nghèo…
NH Nhà nước được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung "Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó truyền thông giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nói chung, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng.
Mục tiêu của các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NH Nhà nước thời gian tới là tiếp tục nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính - NH và thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó góp phần thay đổi hành vi, thói quen và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ NH, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ người sử dụng dịch vụ các sản phẩm và dịch vụ NH…
Nhóm công chúng mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là giới trẻ, phụ nữ, người nghèo, người già, hưu trí, công nhân và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Ông Nguyễn Minh Tâm (phó tổng giám đốc Sacombank):
Góp phần giảm tín dụng đen
Ngay từ năm 2011, Sacombank đã phát hành thẻ nội địa và đầu năm 2021 đã cho ra mắt thẻ tín dụng Napas Easy theo tiêu chuẩn chip mới. Đến nay Sacombank là NH có số lượng thẻ tín dụng nội địa lưu hành nhiều nhất trên thị trường, chiếm 35% số lượng thẻ đang lưu hành.
Sacombank tập trung phát triển thẻ tín dụng nội địa nhiều nhất là khách hàng ở các tỉnh và nông thôn.
Riêng ở thành thị, chúng tôi tập trung phát triển cho khách hàng là công nhân khu công nghiệp, những người có thu nhập trung bình và đã được hưởng ứng rất nhiệt tình, góp phần giảm tín dụng đen. Chi phí cho sản phẩm thẻ này thấp nhất trong các sản phẩm thẻ nên không tạo áp lực tài chính với người có thu nhập trung bình thấp.
Tuy nhiên, để thẻ tín dụng nội địa phát triển vượt bậc trong thời gian tới, Napas cần đồng hành cùng NH trong việc đẩy mạnh phát triển mạng lưới ưu đãi giảm giá, phát triển các công nghệ thanh toán mới xung quanh chiếc thẻ…
TTO - Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng đáng kể, đặc biệt sau dịch COVID-19 sẽ áp đảo hơn khi mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.
Xem thêm: mth.17274709002111202-tam-neit-gnohk-neyugn-yk-ar-om/nv.ertiout