Ngày 19/11, người đàn bà 47 tuổi bị kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự. Hành vi của Lan bị TAND Hà Nội đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, số lượng bị hại nhiều và tiền thiệt hại rất lớn, đến nay chưa được khắc phục.
Vụ án từng đưa ra xét xử hai lần song tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Lần truy tố này, nhà chức trách làm rõ số tiền Lan chiếm đoạt là hơn 322 tỷ đồng, thay vì 292 tỷ đồng trước.
Cáo trạng xác định, Lan không có nghề nghiệp ổn định nhưng tự giới thiệu có quan hệ làm ăn với lãnh đạo Tổng giám đốc Vicem và các quan chức trong ngành xi măng. Lan nói có thể mua được máy móc thanh lý ở các nhà máy xi măng với giá rẻ nên rủ mọi người cùng tham gia. Lan còn mạo danh Tổng giám đốc Vicem để nhắn tin hỏi vay tiền một số người.
Nhận tiền "đầu tư", thời gian đầu Lan trả cả gốc và lợi nhuận đều đặn với mục đích kêu gọi góp vốn nhiều hơn rồi chiếm đoạt. Từ năm 2014 đến tháng 9/2017, Lan đã chiếm đoạt của 31 bị hại hơn 322 tỷ đồng. Trong đó có người bị lừa nhiều nhất là 132,6 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử, bị cáo khai có nhận tiền của các bị hại, song không nhớ cụ thể vì không bao giờ viết biên nhận, chỉ hoàn toàn dựa vào ghi chép của các bị hại.
Lan khẳng định có quen biết với các quan chức lãnh đạo của Vicem, được họ gợi ý "có cách kiếm thêm tiền", do tin tưởng nên mới rủ bạn bè, người nhà huy động vốn để cùng hưởng lợi. Bị cáo khai không được hưởng lợi, phần lớn đã đưa cho các vị lãnh đạo này, song không đưa ra được chứng cứ.
HĐXX cho biết, tại cơ quan điều tra, sau khi đối chất, các bên đều giữ nguyên lời khai, do không có tài liệu chứng minh mà chỉ có lời khai của Lan nên nhà chức trách không đề cập xử lý những người được đề cập.
Các bị hại cho rằng số tiền chiếm đoạt quá lớn, "mình Lan không thể chi tiêu hết nhanh đến vậy". Họ mong muốn cơ quan điều tra xác minh có đồng phạm hay không. Trong lời sau cùng, Lan vẫn khẳng định không có động cơ lừa đảo và mong được tha thứ.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.3028834-gnod-yt-223-aul-ab-nad-iougn-ohc-naht-gnuhc-na/ten.sserpxenv