Bố trí cây ATM, quầy bán hàng tự động, quầy báo ở sảnh chờ
Sáng 21/11 tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu bán vé thương mại phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Theo đó, giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của khách. Trong đó, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến từ Cát Linh đến ga Yên Nghĩa và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất. Giá vé ngày 30.000 đồng/người không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, trong buổi sáng nay đã có hiện tượng khách mua vé 8.000 đồng (quãng ngắn nhất) nhưng lại đi đến hết chuyến.
Sau 15 ngày hoạt động miễn phí, tàu Cát Linh - Hà Đông chở được 380.510 hành khách.
Về vấn đề này, khi nhân viên phát hiện đã tiến hành xử lý, yêu cầu trả thêm tiền.
"Có thể hành khách chưa quen với việc này nên chúng tôi đã bổ sung 100 nhân viên để hướng dẫn người dân mua vé, di chuyển sao cho đúng tuyến, đúng lộ trình, đúng vé.
Những ngày đầu vận hành, mỗi ngày đường dây nóng nhận hàng trăm cuộc gọi, chủ yếu là để tìm đồ thất lạc. Tuy nhiên những ngày tiếp theo chỉ còn 4 - 5 cuộc..." ông Trường nói.
Theo vị Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội mục tiêu sắp tới của Metro là nâng cao các tiện ích nhất cho hành khách chứ không phải vì lợi ích kinh doanh.
Thời gian tới Metro sẽ bố trí cây ATM, quầy bán hàng tự động, quầy báo... và một số tiện ích khác ở sảnh chờ.
Trước những câu hỏi một số bãi gửi xe tự phát quanh khu vực các nhà ga, thu tiền cao hơn bình thường, ông Trường cho rằng, vấn đề này Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông Vận tải, còn Metro chỉ tập trung vào vận hành tàu. Trong thời gian tới Metro sẽ phối hợp để giải quyết.
Bên cạnh đó, tại 12 nhà ga trên toàn tuyến có ga Cát Linh hành khách để xe ở đầu đường Hào Nam và ga Yên Nghĩa người dân để xe tại bến xe Yên Nghĩa.
Còn 10 nhà ga khác, người dân để xe máy tại các ngõ gần ga để thuận tiện cho việc di chuyển lên tàu. Trong sổ tay đi tàu có hướng dẫn về các vị trí gửi xe trên toàn tuyến.
Ông Trường cho biết thêm, Metro đã lên kịch bản cho 1 năm sắp tới. Đó là về về mặt pháp lý, các hình thức vé, quy trình quản lý vé....
15 ngày miễn phí chở 380.510 hành khách
Vé ngày là 30.000 đồng do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phát hành. Đối với người trên 60 tuổi chỉ cần cầm thẻ đi xe buýt đến là có thể đi tàu miễn phí. Đi vé tháng chỉ mua và đi, riêng vé ngày là vé khách, khi vào là quẹt, khi ra cũng quẹt chứ không đút vào để nuốt mất vé.
Ông Trường cho biết thêm, trong 15 ngày vận hành miễn phí (từ 6/11 đến 22h ngày 20/11) đơn vị đã vận chuyển được 2.554 chuyến tàu an toàn, chở 380.510 hành khách.
Lượng khách tại ga Cát Linh trưa 21/11, tăng đột biến so với buổi sáng. Hầu hết các chuyến tàu đều đông kín khách.
Bình quân 1 ngày tàu Cát Linh - Hà Đông vận chuyển 25.300 khách. Trong đó, ngày thường có khoảng 9.000 hành khách đi tàu, còn vào 2 ngày nghỉ cuối tuần vào khoảng 38.000 khách.
"Đối với một tuyến đường mới, chắc chắn sẽ có những phát sinh. Quan trọng là lãnh đạo Hà Nội đã sớm nhận ra, và chỉ đạo khắc phục kịp thời.
Chúng tôi cũng rất cảm ơn người dân đã ủng hộ. Phát triển đường sắt đô thị là xương sống cho mạng giao thông đô thị ở thành phố lớn", ông Trường nói.
Theo lãnh đạo Metro, những ngày đầu tiên bắt đầu chạy miễn phí, để có được sống liệu thống kê hành khách phải đợi đến 2h sáng hôm sau, còn bây giờ đến 23h là đã có số liệu. Để có được những thành tích như vậy, các nhân viên Metro đã làm việc bằng 200% sự tâm huyết.
"Các nhân viên vệ sinh thay nhau làm việc 24/24 để giữ cho khu vực tàu luôn sạch sẽ, lực lượng bảo vệ tàu cũng luôn làm việc hết mình, đến nay vẫn chưa đòi hỏi tiền công.
Từ những số liệu thống kê, có thể thấy người dân rất ủng hộ, thực sự chúng tôi rất xúc động và biết ơn. Chỉ khi nào người dân ủng hộ thì mới thành công được", ông Trường chia sẻ.
Nhiều hành khách nhận xét nhân viên tại các ga trên toàn tuyến nhiệt tình, chu đáo, niềm nở... mỗi khi hướng dẫn, giải đáp thắc mắc với hành khách.
Vị Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho rằng để giải quyết vấn đề ô nhiễm cuả thủ đô Hà Nội thì thành phố cần có một phương thức vận tải công cộng mới là đường sắt đô thị.
Để lượng khách chọn tàu Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện di chuyển trong thời gian tới đông hơn nữa, ông Trường mong muốn người dân tăng cường đi bộ đến các nhà ga. Bên cạnh đó, các sở ban ngành tăng cường thêm các phương tiện công cộng để tiếp cận nhà ga.
Chị Nguyễn Mỹ Linh (sống tại Yên Nghĩa, Hà Đông) trưa nay cùng gia đình (tổng cộng 4 người) mua vé ngày từ Yên Nghĩa đi Cát Linh để trải nghiệm tàu.
Hiện tại ở ga Cát Linh đã có máy bán vé theo lượt tự động.
Sau khi đi qua 4 nhà ga, chị nhận xét: "Tàu rất êm, nhà ga giống với bên nước ngoài mà tôi đã từng đi, các nhân viên phục vụ, hướng dẫn tận tình, chu đáo, niềm nở đó là một trong những điểm cộng lớn trong buổi trải nghiệm lần này...".
Chị cho biết, do cung đường đi làm ngược hướng di chuyển với lộ trình tàu chạy nên chị không thể chọn tàu Cát Linh - Hà Đông để làm phương tiện di chuyển mỗi ngày.
Tuy nhiên, nếu có việc cần thiết trên cung đường từ Yên Nghĩa đến Cát Linh hoặc đến gần các nhà ga chị sẽ chọn tàu trên cao làm phương tiện di chuyển.
"Đi tàu sẽ giảm thiểu, tránh ùn tắc và đặc biệt là bảo vệ môi trường, có thể nói tàu điện là một phương tiện xanh..." chị Linh nói.
Anh Trần Hải Nam (36 tuổi, sống gần ga Văn Khê) sau gần 2 vòng đi trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông vào trưa nay cho biết, giá vé đi tàu ở mức tương đối, phù hợp với mọi người dân.
Hoàng Hải
Doanh nghiệp và Tiếp thị