Người dân đi mua sắm đông đúc ở London, Anh, ngày 20-11 - Ảnh: REUTERS
Tại Anh, chính quyền mở rộng tiêm liều tăng cường cho nhóm từ 40-49 tuổi từ đầu tuần này sau khi đã cho phép tiêm ở nhóm trên 50 tuổi. Các nhà khoa học tin rằng các liều tăng cường và sự miễn dịch trong cộng đồng do sự lây lan của biến thể Delta trong mùa hè sẽ giúp Anh thoát được làn sóng dịch đang dâng ở châu Âu. Số ca bệnh mới ghi nhận ngày 21-11 ở Anh lại vượt mức 40.000 ca.
Chính quyền Pháp cảnh báo đợt dịch COVID-19 mới đang lan với tốc độ báo động. "Làn sóng thứ 5 đang bắt đầu với tốc độ ánh sáng", Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn chính phủ Gabrial Attal nói.
Ngày 21-11, Pháp ghi nhận gần 20.000 ca mắc COVID-19 mới, tăng nhanh so với hơn 17.000 ca của 1 ngày trước đó và gấp đôi con số tuần trước. Mức tăng số ca mới trong 7 ngày qua ở Pháp gấp 3 lần mức trung bình của 3 tuần trước.
Tại Ý, chính quyền cho biết có hơn 9.700 ca bệnh mới vào ngày 21-11, trong khi Ba Lan cũng có hơn 18.800 ca bệnh.
WHO đánh giá sự gia tăng ca bệnh mới ở châu Âu rất đáng ngại và cảnh báo khu vực này có thể có thêm 500.000 người tử vong vì COVID-19 vào tháng 3-2022 nếu không có các hành động khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh.
Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc WHO tại châu Âu, đã kêu gọi các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước làn sóng dịch bệnh mới đang tràn lan khắp khu vực. Ông cho biết mùa đông tới cùng với độ bao phủ vắc xin thấp chính là những nhân tố khiến cho số ca nhiễm tăng đột biến.
Nhiều người xuống đường ở Amsterdam, Hà Lan, ngày 20-11 để phản đối các biện pháp chống dịch - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở một số nước châu Âu cuối tuần qua như Bỉ, Ý, Hà Lan, để phản đối các biện pháp chống dịch. Tại Hà Lan, chính quyền đã ban lệnh khẩn cấp ở thành phố Enschede, bắt giữ 5 người, vào ngày 21-11. Trước đó, biểu tình bạo lực nghiêm trọng ở Hague, Rotterdam cũng khiến nhiều người bị thương và bị bắt giữ.
Tại Bỉ, cảnh sát phun vòi rồng và hơi cay vào đám đông hơn 35.000 người biểu tình phản đối việc cấm người chưa tiêm ngừa COVID-19 vào nhà hàng và nhiều cơ sở khác. Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Ý đòi bỏ "thẻ xanh" (xác nhận đã tiêm ngừa, khỏi bệnh và xét nghiệm âm tính) ở nơi làm việc, trên phương tiện giao thông công cộng.
Ở Mỹ, nhà dịch tễ học Anthony Fauci cảnh báo sắp hết thời gian để ngăn đợt dịch "nguy hiểm" trong mùa lễ cuối năm. Số ca mới ở Mỹ đang gia tăng trở lại sau nhiều tuần và tiến gần tới mốc 100.000 ca/ngày.
"Chúng ta vẫn còn khoảng 60 triệu người đủ điều kiện để được tiêm ngừa nhưng chưa tiêm, và điều đó dẫn đến sự bùng phát của virus trong cộng đồng. Nó không chỉ nguy hiểm và khiến những người chưa được tiêm ngừa dễ bị tổn thương mà còn lây lan vào nhóm đã được tiêm", ông Fauci nói.
Một bé gái 9 tuổi được tiêm ngừa COVID-19 ở thành phố Seattle của Mỹ - Ảnh: REUTERS
Tại châu Á, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin kêu gọi tất cả người dân nước này đi tiêm vắc xin COVID-19 tăng cường trong bối cảnh ghi nhận ngày càng nhiều số ca bệnh nặng ở những người đã được tiêm. Theo ông, hiệu quả của các loại vắc xin COVID-19 hiện nay sẽ bắt đầu giảm đi sau vài tháng, trong đó vắc xin của Hãng Sinovac (Trung Quốc) là giảm tác dụng nhanh nhất.
Nhân viên y tế khử trùng tay cho 1 thí sinh thi đại học ở Seoul ngày 18-11 - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Hàn Quốc đứng trước nỗi lo dịch COVID-19 tái bùng phát vào mùa đông và sự hoài nghi về chính sách mở cửa để "sống chung với COVID-19". Ngày 21-11, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 3.120 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 3.098 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, trong 5 ngày liên tiếp gần đây, Hàn Quốc ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm mới/ngày.
TTO - Theo Hãng tin Reuters, số ca nhiễm COVID-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục tăng lên trong ngày 20-11, buộc chính quyền nhiều nơi tiếp tục đẩy mạnh cách đối sách phòng chống dịch.