Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) giai đoạn 2021-2025 tăng sức bật tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn.
OCOP tăng doanh thu cho các sản phẩm
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như: Các làng nghề truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng; trái cây và dược liệu ở các tỉnh miền núi phía Bắc; cà phê và hồ tiêu ở vùng Tây Nguyên; lúa gạo và thuỷ sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Sau 3 năm thực hiện chương trình, từ 2018-2020, đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: Chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.
Một số doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống phân phối, được tiêu thụ ổn định.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP đã đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu (miến dong Tài Hoan, tỉnh Bắc Kạn; cà phê Bích Thao, tỉnh Sơn La; đường thốt nốt Palmania, tỉnh An Giang, nước mắm Lê Gia, tỉnh Thanh Hóa…) và hướng đến làm quà tặng sang trọng và có giá trị cao.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp chủ thể nâng quy mô sản xuất và doanh thu.
Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy: 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40%.
Giai đoạn 2021-2025: Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2021-2025 về tiếp tục xây dựng nông thôn mới “toàn diện, nâng cao và bền vững”, một trong những nội dung quan trọng nhằm phát triển bền vững kinh tế nông thôn, đó là “Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm”.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Vụ trưởng - Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình tiếp tục là giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, triển khai hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ ưu tiên, cụ thể: Triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc vùng miền, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn;
Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu...
Mục tiêu Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025
Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.
Chương trình cũng ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể OCOP là các doanh nghiệp; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương;
Tỉ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hành hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…); phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…
Diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng, xã một sản phẩm được tổ chức ít nhất 1 lần/năm nhằm nâng cao và khẳng định thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Xem thêm: odl.728679-noht-gnon-et-hnik-ohc-iom-tab-cus-oat-5202-1202-poco-hnirt-gnouhc/et-hnik/nv.gnodoal