vĐồng tin tức tài chính 365

Cách nào huy động nguồn tiền trong dân?

2021-11-23 12:40

Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái ngoại tệ nhằm huy động 180.000 tỉ đồng trong dân trong hai năm mà Bộ Tài chính đề xuất mới đây đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Giới chuyên gia tài chính nhìn nhận rằng, dù thực tế đây không hẳn là một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ nhưng việc huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, thay vì cất trữ trong két và đổ vào vàng, sẽ là hoàn toàn khả thi và được người dân ủng hộ khi có các chính sách thu hút hợp lý. Bên cạnh đó cần chặn dòng tiền chảy sang các lĩnh vực rủi ro cao.

Người dân đang sở hữu 5,3 triệu tỉ đồng tiết kiệm

Để có thêm nguồn tiền cho chương trình hỗ trợ quy mô lớn phục hồi nền kinh tế trước tác động của COVID-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Hồ Đức Phớc - tại nghị trường Quốc hội mới đây cho biết, đang tính toán phương án phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái ngoại tệ nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.

Theo đó bên cạnh nguồn tiền đến từ chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, có thể là huy động từ dân chúng, thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu và công trái ngoại tệ.

Người đứng đầu Bộ Tài chính tính toán có thể huy động khoảng 180.000 tỉ đồng qua các kênh này trong hai năm, tương ứng mỗi năm bội chi ngân sách tăng khoảng 1%.

Ý tưởng huy động tiền trong dân được cho là có cơ sở khi các dữ liệu của ngành Ngân hàng cho thấy người dân đang nắm giữ hàng triệu tỉ đồng tiết kiệm và con số này tiếp tục tăng mạnh theo từng năm.

Số liệu khảo sát về mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, năm 2014 tiền tiết kiệm trong dân cư khoảng 843.000 tỉ đồng, năm 2016 là 1.126 nghìn tỉ đồng và năm 2018 tăng vọt lên khoảng 1.818 nghìn tỉ đồng. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, quy mô nguồn vốn này tăng với tốc độ bình quân trong giai đoạn 2015-2018 đạt 18,1%/năm.

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, đến cuối tháng 9.2021, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng là hơn 5,29 triệu tỉ đồng, tiếp tục duy trì mức tăng 2,92% so với cuối năm 2020 bất chấp mặt bằng lãi suất huy động liên tục đi xuống trong 2 năm gần đây.

Ngoài nguồn tiền gửi ngân hàng, dữ liệu do Hiệp hội Kinh doanh vàng thế giới tính toán dựa trên số liệu nhập vàng của Việt Nam thời gian qua cho thấy, người dân Việt Nam còn đang sở hữu khoảng trên dưới 500 tấn vàng. Do đó nếu một phần lượng vàng này tách khỏi cất trữ và đưa vào lưu thông sẽ mang đến một lượng vốn rất lớn và có ý nghĩa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chặn dòng tiền chảy sang các lĩnh vực rủi ro

Khi phân tích về việc huy động nguồn tiền trong dân, ThS Vũ Trọng Nghĩa - Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) - nhận định, quy mô nguồn lực tài chính trong dân cư qua các năm càng ngày càng lớn hơn và theo đó việc huy động được một phần của nguồn vốn này vào đầu tư phát triển không chỉ tăng quy mô vốn mà còn góp phần bền vững cho nền kinh tế.

Tuy nhiên chính dấu hiệu giảm sút của nguồn tiền gửi dân cư vào các ngân hàng trong 2 năm qua, đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy Chính phủ cần sớm có chính sách thu hút nhằm ngăn dòng tiền nhàn rỗi của người dân chảy vào các kênh đầu tư chứa đựng nhiều rủi ro và không mang lại hiệu quả thực chất cho nền kinh tế.

Trong suốt những năm 2012 - 2019, tăng trưởng tiền gửi dân cư đều duy trì mức cao từ 6,84% đến cao nhất 16% mỗi năm. Tuy nhiên trong 2 năm gần đây theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tiền gửi dân cư năm 2020 chỉ đạt 4% và hết 9 tháng 2021 chỉ đạt 2,92%.

ThS Dương Văn Bôn và TS Châu Đình Linh của Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh đồng quan điểm khi cho rằng việc các ngân hàng lần lượt giảm mạnh lãi suất huy động vốn do tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế gặp khó khăn là yếu tố khiến nhiều người chuyển sang kênh đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư cổ phiếu, đầu tư bất động sản, mua vàng… Và điều này khiến tiền gửi dân cư tại ngân hàng giảm mạnh và có tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng tiền gửi của tổ chức kinh tế.

Từ thực tế trên, để các giải pháp huy động nguồn vốn trong dân cư khả thi và đạt hiệu quả, ThS Vũ Trọng Nghĩa đề xuất các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển công nghệ để thu hút nhiều hơn nữa tiền gửi từ dân cư.

Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng hiệu quả các công cụ chính trong việc điều hành chính sách tiền tệ để đạt mục đích của mình. Khi xác định mục đích rõ ràng là huy động vốn nhiều trong dân cư, cần đưa ra các điều chỉnh hợp lý, đặc biệt việc điều chỉnh lãi suất cơ bản vì đó là công cụ rất mạnh tác động trực tiếp đến lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng.

Hơn nữa để thuyết phục người dân sẵn sàng mang vốn từ trong “két” ra để đầu tư, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), vừa đảm bảo an toàn về vốn, tài sản cho người dân (tư nhân), ưu tiên đảm bảo nhà nước sẽ sử dụng vốn của người dân có hiệu quả, tức là “vốn tạo lời”.

Nhà nước công khai và kêu gọi các lĩnh vực cần người dân tham gia đầu tư, không chỉ giới hạn đầu tư cơ sở hạ tầng mà mở rộng sang đầu tư các dự án công, xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan nhà nước thuê.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, nguồn tiền tiết kiệm dân cư nếu so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 gần bằng nhau, chiếm khoảng 96,12%. Nhưng đến năm 2018, tiền tiết kiệm trong dân cư còn vượt cao hơn tổng thu ngân sách nhà nước, khoảng 27% (1.818 nghìn tỉ đồng so với 1.431 nghìn tỉ đồng). Hơn nữa nếu so sánh với chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, năm 2014 gấp 3,4 lần và năm 2018 gấp 4,2 lần. L.D

Xem thêm: odl.946679-nad-gnort-neit-nougn-gnod-yuh-oan-hcac/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cách nào huy động nguồn tiền trong dân?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools