Bạn đọc hỏi: Tôi năm nay 50 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 25 năm. Trong đó, 10 năm đóng ở doanh nghiệp nhà nước; 5 đóng BHXH ở doanh nghiệp tư nhân và 11 đóng BHXH tự nguyện. Vậy đến khi tôi đủ tuổi về hưu sẽ tính lương hưu ra sao?
Về việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:
Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện quy định mức bình quân tiền lương là thu nhập tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc được tính theo công thức sau:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc x Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc + Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH = Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc + Tổng số tháng đóng BHXH tự nguyện.
Trong đó: - Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật BHXH.
- Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện là tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện đã được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Mặt khác, việc thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động tham gia BHXH căn cứ vào Luật BHXH, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thực hiện như: Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18.11.2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.
Đề nghị bạn đọc đối chiếu các quy định của Luật BHXH và các văn bản nêu trên với thông tin cụ thể của bản thân như: giới tính, tuổi đời, nghề, công việc, thời gian làm việc đã đóng BHXH, tình trạng sức khỏe, thời điểm đề nghị hưởng lương hưu… để xác định điều kiện hưởng và mức hưởng chế độ hưu trí theo quy định hiện hành.
Trường hợp cần tư vấn chi tiết, bạn đọc liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để được thông tin và hướng dẫn cụ thể.