Hà Nội - Chủ toạ phiên toà đã phải nhắc nhở đại diện VEC - Chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi "không nên phát biểu không có tính logic" khi vị đại diện này nói về yêu cầu bồi thường.
Chiều 24.11, phiên sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư, HĐXX TAND Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn.
Trong vụ án, VEC được xác định là nguyên đơn dân sự. VEC có quyền yêu cầu các bị cáo và tổ chức liên quan đến sai phạm bồi thường thiệt hại số tiền hơn 811 tỉ đồng theo kết luận của cáo trạng. Số tiền này là thiệt hại của giai đoạn 1 của dự án, khi đưa vào sử dụng 65km một thời gian đã bị hư hỏng nhiều điểm.
Có mặt tại toà, khi được hỏi ý kiến, đại diện của VEC nói: "Hoàn toàn tôn trọng các kết luận điều tra, của các cơ quan tiến hành tố tụng".
Liên quan đến chất lượng của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo, đại diện cho hay có những sai sót, khiếm khuyết. Song đại diện VEC nói, đó là thiệt hại cục bộ. Thực tế không phải là thiệt hại toàn bộ tuyến đường đó.
"Thời gian vừa qua, khi được khai thác lại, tuyến đường này đã có thu phí (trên 1.400 tỉ đồng). Mong toà xem xét thiệt hại phù hợp hơn", đại diện VEC trình bày trước HĐXX.
"Các ông cho rằng dự án này đảm bảo chất lượng?", chủ toạ chất vấn. "Chúng tôi cho rằng chưa đảm bảo chất lượng", đại diện VEC đáp.
Liên quan đến thiệt hại hơn 811 tỉ đồng theo cáo trạng nêu, đại diện VEC đề nghị qua xét xử công khai, HĐXX có căn cứ các nhà thầu thực hiện các gói thầu 1, 3B, 4, 5 và 7 xem xét trách nhiệm. Chủ đầu tư và các nhà thầu có quan hệ bằng hợp đồng, trong trường hợp họ có lỗi, gây thiệt hại, thì phải bồi thường.
"Cụ thể yêu cầu nhà thầu nào bồi thường", chủ toạ Vũ Quang Huy đặt câu hỏi.
Đại diện VEC cho hay, trong các gói thầu có nhà thầu liên danh, nếu họ vi phạm thì xem xét trách nhiệm từng nhà thầu vì họ đã cam kết cụ thể từng phạm vi công việc. Ngoài ra, cần phải xem xét trách nhiệm liên đới lẫn nhau giữa các nhà thầu.
Trình bày thêm về thiệt hại 811 tỉ, đại diện VEC tiếp tục cho hay "tôn trọng việc kết luận". Tuy nhiên, với tư cách nguyên đơn dân sự, VEC cho rằng, số thiệt hại đó chưa được phù hợp.
Trước ý kiến này, ngay lập tức, chủ toạ ngắt: "Với tư cách nguyên đơn dân sự, thì yêu cầu bồi thường. Ông yêu cầu bồi thường mà nói thiệt hại đó chưa chính xác thì không có cơ sở xem xét. Ông cần phải xác định lại chính xác. Toà sẽ dành thời gian cho ông. Không nên phát biểu không có tính logic".
Tiếp lời chủ toạ, đại diện VEC muốn trình bày thêm, cho hay số thiệt hại chưa rõ ràng...
Ý kiến này cũng vấp phải nhắc nhở của chủ toạ. Chủ toạ Vũ Quang Huy nêu, tiền đã thanh toán cho các nhà thầu được xác định là thiệt hại, tài liệu liên quan đều do VEC cung cấp để cơ quan điều tra xác minh.
"Còn nếu không có căn cứ không xác định thiệt hại là 811 tỉ đồng thì cũng nêu rõ. Đây là tài sản của Nhà nước, nên phải có trách nhiệm", ông Huy nói.
Cuối cùng, đại diện VEC đưa ra ý kiến, nếu toà thấy tổ chức nào có lỗi, vi phạm, gây thiệt hại cho VEC - chủ đầu tư thì đề nghị giải quyết theo pháp luật.
Với các bị cáo, không yêu cầu họ bồi thường cho chủ đầu tư. Bởi họ là những lao động làm công ăn lương. Họ không phải chủ thể ký kết hợp đồng. Chủ toạ ngắt, không phải là thẩm quyền của VEC.
Ngày mai toà tiếp tục làm việc.