Bác sĩ ở trạm y tế đến khám bệnh cho bệnh nhi. Với người bệnh là trẻ em, ngoài thăm khám thông thường, bác sĩ còn trấn an, dỗ dành tinh thần cho các bé - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Khi số ca F0 điều trị tại nhà của TP.HCM ngày một tăng cao chiếm trên 70%, có ý kiến cho rằng chiến lược chống dịch nên bắt đầu từ y tế cơ sở...
"Về lâu dài để trạm y tế thực sự là mảnh đất đủ tốt cho nhân viên y tế cống hiến, cần phải thay đổi cơ chế chính sách về tiền lương, chế độ làm việc cũng như học hành phát triển bản thân của các y bác sĩ. Khi một bác sĩ xác định làm việc ở trạm y tế, cuộc đời họ sẽ không chỉ mãi mãi ở đó, nếu làm tốt thì họ sẽ được học lên và phát triển chuyên môn của bản thân..." - ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định.
Ưu tiên hàng đầu
Và để hiện thực hóa mục tiêu tạo "mảnh đất đủ tốt" cho trạm y tế, Sở Y tế TP.HCM ban hành dự thảo đề án "Nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong tình hình mới", đồng thời có văn bản gửi các sở (Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Lao động - thương binh và xã hội) nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo tờ trình các cơ chế chính sách đặc thù để củng cố nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở.
Theo đánh giá của ông Tăng Chí Thượng, vai trò của trạm y tế là không thể thiếu. Trong cuộc chiến chống dịch vừa qua, nhờ việc triển khai các trạm y tế lưu động thí điểm chăm sóc người F0 dựa vào cộng đồng mà đã phát huy hiệu quả tích cực.
"Mô hình chăm sóc người F0 tại nhà đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm tỉ lệ chuyển nặng và giảm tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục" - ông Thượng đánh giá.
Ông Thượng khẳng định việc củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong đó củng cố trạm y tế, là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Theo ông, dù đỉnh dịch đi qua nhưng ngành y tế thành phố xác định phải duy trì các trạm y tế lưu động này và để duy trì cần sớm thay đổi chính sách để trạm y tế bao phủ số lượng dân phù hợp.
Ông kiến nghị không cứng nhắc mỗi phường có một trạm y tế mà thay vào đó là lập trạm dựa trên số dân. Như vậy một phường có thể có nhiều trạm y tế và trạm phải gắn liền với nhiều chuỗi mắt xích khác như tổ phản ứng nhanh phường xã, tổ chức sàng lọc từ xa hoặc một tổ chức thiện nguyện.
Ngoài ra, về vấn đề nhân sự bổ sung, ông Thượng cho biết gần đây ngành y tế đã ngồi lại với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và đang trong quá trình tham mưu UBND TP.HCM cho thí điểm đưa các bác sĩ vừa mới tốt nghiệp về thực hành tại các trạm y tế, trung tâm y tế (12 tháng) thay vì toàn thời gian 18 tháng tại bệnh viện như trước đây. Áp dụng tương tự cho điều dưỡng là 9 tháng thực hành tại y tế cơ sở.
Dự kiến sẽ có 750 nhân sự, trong đó 689 bác sĩ và 61 điều dưỡng, tốt nghiệp vào tháng 12-2021 được "tung" về y tế cơ sở, với mức dự toán tổng kinh phí hỗ trợ mỗi tháng cho bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng, điều dưỡng gần 5 tỉ đồng.
Nhiều đề xuất đột phá
Trong dự thảo tờ trình gửi Hội đồng nhân dân TP.HCM, ngành y tế còn đưa ra nhiều đề xuất mang tính đột phá.
Theo báo cáo hiện nay, tỉ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên vạn dân tại TP.HCM chỉ đạt 2,31, thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06). Trong khi dự kiến vào cuối tháng 11-2021 lực lượng quân y với số lượng 1.434 người sẽ kết thúc nhiệm vụ hỗ trợ, do đó cần bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc cho trạm y tế theo quy mô dân số tại phường, xã, thị trấn; đồng thời tính đến đặc thù của địa bàn để tuyển dụng, bổ sung thay thế lực lượng bác sĩ quân y chi viện.
Cụ thể kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm thì nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm. Như vậy, tổng số biên chế phân bổ năm 2022 cho 310 trạm y tế theo định mức đề xuất là 3.991 biên chế, cao hơn tổng số biên chế năm 2021 đã phân bổ trạm y tế là 1.704 biên chế.
Theo ngành y tế, từ năm 2015 UBND TP.HCM có quyết định về thu hút, hỗ trợ cho cán bộ, viên chức công tác tại các cơ sở y tế thuộc lĩnh vực y tế dự phòng. Tuy nhiên, đến nay một số chế độ hỗ trợ không còn phù hợp và không giữ chân được nhân viên y tế ở tuyến y tế cơ sở và lĩnh vực y tế dự phòng.
"Nên ban hành chính sách hỗ trợ hằng tháng nhằm tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn cho đối tượng này, đặc biệt là bác sĩ, để họ có thể yên tâm công tác. Chính sách này nhằm ổn định, duy trì đội ngũ nhân viên y tế yên tâm công tác ở y tế cơ sở và dự phòng" - ông Thượng khẳng định.
Một vấn đề được ngành y tế TP.HCM quan tâm đề xuất là ngoài tuyển dụng theo hình thức hợp đồng lao động hoặc viên chức, cần huy động bổ sung theo hình thức hợp đồng dịch vụ, hợp đồng hợp tác chuyên môn đối với bác sĩ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu và lực lượng tình nguyện viên theo mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng dựa trên mức lương tối thiểu vùng.
Theo đó, với nhu cầu mỗi trạm y tế cần huy động 2 bác sĩ nghỉ hưu, 4 nhân viên y tế khác đã nghỉ hưu và 2 tình nguyện viên không có chuyên môn y tế... Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ hằng tháng gần 17 tỉ đồng.
Nhân viên trạm y tế phường 4, quận 3 (TP.HCM) thay băng vết thương cho người dân - Ảnh: CẢM NƯƠNG
Nhiều rào cản
Bà Nguyễn Phương Liên - trưởng trạm y tế phường 4, quận 3, TP.HCM - cho rằng đa phần bác sĩ mới ra trường đều muốn làm đúng chuyên môn, ít ai muốn làm những công việc "không tên, không tuổi".
"Có những rào cản nhất định với một bác sĩ mới ra trường, nhiều người không muốn về trạm y tế làm một phần vì cảm giác tự ti, họ sợ bị coi thường. Nếu được lựa chọn thì người ta sẽ chọn công tác tại bệnh viện thay vì ở trạm y tế, bởi ở trạm người thầy thuốc không được làm đúng chuyên môn, khó có khả năng phát triển nghề, cộng với mức lương thấp khó lòng giữ chân người tài", bà Liên cho biết.
CẨM NƯƠNG
* Ông Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy): Cần có "liều thuốc đủ đô"
Hệ thống y tế của Việt Nam xét về cơ cấu tổ chức có nhiều ưu việt, đi chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Từ trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện huyện, tỉnh rồi đến bệnh viện tuyến trên cho thấy hệ thống y tế được tổ chức đến từng cơ sở, đi sâu từng ngõ ngách, đến từng người bệnh.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài việc đầu tư cho y tế cơ sở không đáp ứng đủ yêu cầu. Trang thiết bị y tế không đầy đủ, phụ cấp của nhân viên y tế không thỏa đáng, cơ hội học tập phát triển chuyên môn không có... Đợt dịch hoành hành vừa qua cho thấy rõ tầm quan trọng của trạm y tế, đặc biệt là trạm y tế ở vùng sâu vùng xa. Nhưng hiện nay việc thu hút đội ngũ y bác sĩ giỏi về đây còn khó khăn. Điều này phải cải thiện.
"Liều thuốc đủ đô", theo tôi, cần cơ chế, chính sách luân phiên bác sĩ tuyến trên xuống làm ở trung tâm y tế, trạm y tế cơ sở thời gian 12 tháng. Trưởng trạm cũng phải được luân phiên, xoay vòng. Như thế tất cả nhân viên y tế tuyến trên đều hiểu công việc của đồng nghiệp tuyến dưới và tất cả nhân viên ở trạm y tế đều có cơ hội học tập, thực hành cho bệnh nhân nặng ở tuyến trên để nâng cao tay nghề.
* Bà Phạm Khánh Phong Lan (đại biểu Quốc hội TP.HCM): Y tế cơ sở chưa được đầu tư xứng đáng
Từ trước tới giờ ngành y tế như một cái kiềng ba chân, bao gồm điều trị - cung ứng - dự phòng. Trong đó, dự phòng là cái nền cơ bản; cung ứng để đáp ứng các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất; còn điều trị là mũi nhọn và thường được chú ý nhiều hơn.
Từ cuộc chiến chống dịch, nhiều bài học được rút ra. Chúng ta hay chú ý vào cái gọi là tầm cao, bề ngoài nhưng cái cốt lõi, cái nền cơ bản - y tế cơ sở - chưa được đầu tư xứng đáng. Tại sao? Phải nói từ lúc các em bé ra đời, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chương trình vắc xin, sổ sức khỏe... đều từ y tế dự phòng.
Đặc biệt với một thành phố đông dân như TP.HCM, việc mô hình bác sĩ gia đình phát triển cũng là cách thúc đẩy y tế cơ sở, y tế cộng đồng phát triển. Từ y tế cơ sở, nhân viên y tế sẽ nắm được tiền sử bệnh tật, sức khỏe của từng thành viên trong gia đình, khu phố; điều này có giá trị hơn cho người bệnh hơn là đùng một cái đến khám một bác sĩ chưa hề biết gì cả.
Rõ ràng chúng ta đang có sự lệch pha, đòi hỏi sự can thiệp quyết liệt từ những người làm chính sách để làm sao cho y tế dự phòng phát triển theo khả năng và đòi hỏi của cuộc sống, cộng đồng. Có như vậy mới "dĩ bất biến, ứng vạn biến" được với những tình huống mới.
HOÀNG LỘC - TIẾN LONG
TTO - Y tế cơ sở được xem là một trong hai 'mũi giáp công' chống dịch, là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nhưng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 cũng bộc lộ nhiều điểm yếu và thiếu. Đã đến lúc trạm y tế cần phải được tiếp sức...
Xem thêm: mth.91273033242111202-et-y-mart-iov-od-ud-couht-ueil-nac-2-yk-et-y-mart-uad-od-uad-mart/nv.ertiout