Thời gian qua, tình trạng hàng loạt nhân viên y tế phường/xã nghỉ việc khiến các cấp ngành TP.HCM vô cùng đau đầu. Trong lúc tình hình dịch Covid-19 còn chưa hoàn toàn lắng xuống, nhiều nhân viên y tế đã nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
Trong buổi giám sát của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM về công tác y tế cơ sở chiều 10/11, Vietnamnet trích lời Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết: "Không ai chịu về trạm y tế" khi nhận định về tình hình nhân lực y tế cơ sở.
Nguồn trên dẫn lời Giám đốc Sở Y tế trải lòng: "Đợt dịch vừa qua, mỗi ngày tôi đều ký 1 tập đơn xin nghỉ việc của nhân viên trạm y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện".
Việc ban hành các chính sách nhằm "níu chân" các nhân viên y tế tuyến cơ sở là việc TP.HCM xác định cần làm ngay, là ưu tiên hàng đầu.
Theo Tuổi Trẻ, tin vui là Sở Y tế TP.HCM đã ban hành dự thảo đề án "Nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong tình hình mới", đồng thời có văn bản gửi các sở nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo tờ trình các cơ chế chính sách đặc thù để củng cố nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở.
"Về lâu dài để trạm y tế thực sự là mảnh đất đủ tốt cho nhân viên y tế cống hiến, cần phải thay đổi cơ chế chính sách về tiền lương, chế độ làm việc cũng như học hành phát triển bản thân của các y bác sĩ" - nguồn trên dẫn lời ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định.
Trong dự thảo tờ trình gửi Hội đồng nhân dân TP.HCM, Sở Y tế TP còn kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm thì nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm.
Báo trên trích lời ông Thượng nói thêm: "Nên ban hành chính sách hỗ trợ hằng tháng nhằm tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn cho đối tượng này, đặc biệt là bác sĩ, để họ có thể yên tâm công tác. Chính sách này nhằm ổn định, duy trì đội ngũ nhân viên y tế yên tâm công tác ở y tế cơ sở và dự phòng".
Một vấn đề được ngành y tế TP.HCM quan tâm đề xuất là ngoài tuyển dụng theo hình thức hợp đồng lao động hoặc viên chức, cần huy động bổ sung bác sĩ nghỉ hưu, nhân viên y tế khác đã nghỉ hưu và tình nguyện viên không có chuyên môn y tế với mức lương hỗ trợ... Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ dự kiến hằng tháng gần 17 tỉ đồng.
Chia sẻ về công việc tại tuyến y tế cơ sở, bà Lê Thị Hồng Canh cho báo Lao Động hay: "Hiện tôi đang làm tình nguyện ở Trạm y tế (TYT) lưu động số 5 (phường 12, quận 10, TP.HCM) địa bàn có dân số đông nhưng nhân viên y tế lại quá mỏng. Nguy hiểm luôn thường trực nhưng với nghĩ đi làm điều thiện, giúp đỡ bà con đẩy lùi dịch bệnh nên tôi cố gắng đi".
Với những y bác sĩ ở các TYT phường, xã, họ không chỉ phải đối mặt với áp lực công việc nặng nề do dịch Covid-19 mà còn phải vượt qua những khó khăn của cơ chế, cơ hội thăng tiến, điều kiện làm việc hạn chế để ở lại.
Bác sĩ Nông Thị Thu Thảo hiện công tác tại TYT phường 15, quận Phú Nhuận kể với báo trên: "Thời điểm dịch tôi ở lại trạm, có cấp cứu nửa đêm cũng đi, nhập số liệu, làm xét nghiệm… mọi việc rất bận, căng thẳng. Cũng may giai đoạn đó cũng có sinh viên y Hà Nội tiếp viện".
Nói về thực trạng tuyến y tế cơ sở, BS Nguyễn Thái - Giám đốc Trung tâm Y tế quận 3 - cho biết, vấn đề cần nhất hiện nay là có thể giữ chân được nhân viên y tế.
"Hết đợt dịch Covid-19 vừa rồi, một y sĩ y học cổ truyền của TYT đã đến gặp tôi xin nghỉ việc vì gia đình không thể chấp nhận một người con, người vợ mà 4-5 tháng không về nhà" - BS Thái chia sẻ với nguồn trên.
Cùng chung nỗi niềm với BS Nguyễn Thái, bà Vũ Thị Mai Liên, Trạm trưởng TYT phường 5, quận 3 chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM (PLO): "Là mẹ mà suốt 3-4 tháng không gần gũi con do tập trung lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, không nấu được bữa cơm cho chồng do dành thời gian quản lý và chăm sóc ca bệnh Covid-19. Chưa hết, nhiều việc có tên cũng như không tên liên quan hoạt động phòng chống dịch Covid-19 cứ đeo đuổi hằng ngày khiến nhân viên y tế của trạm không có ngày nghỉ. Do không phải ai cũng chịu được áp lực công việc quá lớn nên chuyện nhân viên các TYT nói chung xin nghỉ là điều khó tránh".
Cũng chia sẻ với PLO, bà Nguyễn Thị Sang, Trạm trưởng TYT xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết nỗi ám ảnh với những nhân viên y tế nữ ở trạm là trực tối.
Có những đêm, những người đàn ông say xỉn bị tai nạn vào cấp cứu, do say không làm chủ bản thân nên dọa đánh nhân viên y tế, dọa phá đồ đạc của trạm. Nói không may nếu lúc ý có chuyện gì thì cũng không có ai ở đó bảo vệ nhân viên y tế cả.
"Vậy nên có cơ hội tìm được công việc tốt hơn, ít áp lực và thu nhập cao thì nhân viên các TYT sẵn sàng nghỉ việc. Điều này không thể trách họ được"- bà Sang nói thêm với báo Pháp luật TP.HCM.
Bác sĩ Phan Thanh Tùng - trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A thì cho Tuổi Trẻ hay: Đáng suy nghĩ hơn là mức lương của các nhân viên y tế tại đây dù khối lượng công việc vô cùng đồ sộ. Lương của bác sĩ Tùng (trạm trưởng với 20 năm kinh nghiệm) chưa đến 6 triệu đồng/tháng, có điều dưỡng làm vài năm mà lương chỉ 4,2 triệu đồng/tháng.
Lương thấp, công việc thì ngập đầu, những nhân viên y tế còn gắn bó tại đây hầu hết đều vì đam mê, lương tâm với nhân dân, với thành phố.
Tổng hợp
Theo PV
TRÍ THỨC TRẺ