vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyên gia: Cần thêm dữ liệu để có giải pháp giảm tử vong vì COVID-19

2021-11-26 16:43

Số lượng bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng phải nhập viện và tử vong đang có xu hướng tăng trong những ngày gần đây. Trên các nền tảng mạng xã hội và báo chí, các nhà khoa học, chuyên gia, người dân… đã có nhiều quan điểm khác nhau về nguyên nhân cũng như giải pháp đối với vấn đề đáng lo ngại này. Giới quan sát có chung đánh giá: Tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm của nhiều nơi khác, ví dụ như Singpore, thấp hơn so với TP.HCM.

Cần dữ liệu chứ không được “đoán mò”

Số ca tử vong tăng có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Ở góc độ chữa trị, có thể hệ thống y tế chưa đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, dẫn đến chữa trị không kịp thời hoặc không đúng cách. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia y tế cho rằng với thực tế ở TP.HCM, khi các quận, huyện chủ yếu màu xanh, tức nguy cơ thấp, và hệ thống y tế cơ sở được nâng cấp ở cả ba tầng trong thời gian qua, thì hệ thống chữa trị đã tạm thời đáp ứng nhu cầu của TP dù vẫn cần cải thiện liên tục để đáp ứng nhu cầu dài hạn.

TP đã triển khai tích cực các hoạt động chăm sóc F0 tại nhà để “đánh chặn”, ngăn ngừa tình trạng số F0 trở nặng tăng cao gây áp lực cho tuyến trên. Trong khi đó, hệ thống trung tâm y tế, bệnh viện, bệnh viện dã chiến… cũng được củng cố trước yêu cầu bình thường mới. Báo cáo mới đây của Sở Y tế TP.HCM cho biết ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế TP lên đến hơn 120.000 ca F0, bao gồm những trường hợp được theo dõi, chăm sóc, điều trị tại nhà. Ngưỡng này gấp đôi số ca nhiễm hiện nay là hơn 64.000.

Liên quan đến vaccine và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, số ca tử vong cũng có thể xuất phát từ các lý do: Bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền nhưng chưa tiêm (đủ) vaccine; hoặc đã tiêm vaccine nhưng nhiễm bệnh khi vaccine chưa kịp phát huy hiệu lực; khả năng đáp ứng vaccine hay sinh miễn dịch sau tiêm vaccine kém do lớn tuổi, có bệnh nền hoặc vì nguyên nhân khác; đã tiêm vaccine nhưng hiệu lực vaccine giảm theo thời gian…

“Để biết được chính xác nguyên nhân gia tăng tử vong và từ đó có giải pháp hợp lý nhất thì cần phải có dữ liệu, trong đó có dữ liệu về bệnh nhân COVID-19 tử vong” – PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định. Theo chuyên gia này, chúng ta không thể “đoán mò” xu hướng tăng, giảm ca nhiễm hay tử vong mà cần có đầy đủ các dữ liệu liên quan. Ví dụ: Độ tuổi, giới tính, thời gian tiêm vaccine, loại vaccine, bệnh lý nền, thời gian tử vong…

Bà Thảo khẳng định nếu muốn biết việc trở nặng hay tử vong liên quan đến nhân tố nào thì phải có thống kê cụ thể và đủ tin cậy về các nhân tố đó. “Chúng ta không nên tùy ý suy đoán là vì tuổi tác, bệnh nền, vaccine hay vì nhân tố nào khi trong tay không có dữ liệu. Ngay như vaccine cũng có nhiều loại, cũng không thể dùng dữ liệu vaccine này để suy luận ra vaccine khác.” – bà Thảo khuyến nghị.

TP.HCM nên tiên phong xây dựng hệ thống dữ liệu mở

Nghị quyết 128 của Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Để sống chung an toàn với SARS-CoV-2, việc hiểu đúng bản chất và vận hành của loại virus này là cực kỳ quan trọng. Phương pháp quan sát không thể dựa vào một vài cá thể mà đòi hỏi sự tổng thể, có tính đại diện cao.

Chuyên gia: Cần thêm dữ liệu để có giải pháp giảm tử vong vì COVID-19 - ảnh 1
PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NVCC

Theo PGS-TS Nguyễn Phương Thảo: Chúng ta không thể dựa vào quan sát của một vài trường hợp cá biệt về bệnh nhân COVID-19 để làm đại diện cho tổng thể, từ đó suy đoán bất kỳ vấn đề gì liên quan đến dịch bệnh vốn đòi hỏi lượng dữ liệu đẩy đủ, đảm bảo chất lượng. Ví dụ, không nên dựa vào một vài trường hợp tử vong dù đã tiêm đủ liều vaccine để vội vã kết luận vaccine đó có hiệu quả hay không.

“Ngay cả khi nhìn vào cùng một công nghệ sản xuất vaccine, như vero cell (có Sinopharm và Sinovac) hay mRNA (có Pfizer và Moderna), thì cũng khó có thể nói hiệu quả của các loại vaccine cùng nhóm công nghệ sẽ tương tự nhau. Thậm chí, cùng một loại vaccine nhưng tiêm ở quốc gia hay vùng lãnh thổ khác nhau cũng chưa chắc đạt được cùng hiệu lực. Vậy nên, với TP.HCM thì tôi cho rằng cần có dữ liệu riêng. Cần có lộ trình công bố sớm dữ liệu đó, nhất là dữ liệu về bệnh nhân COVID-19 để các nhà khoa học, các chuyên gia liên quan có thể tiếp cận. Họ có thể góp sức để TP hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động, độc lực của virus, nhận xét hiệu quả vaccine cũng như các công cụ khác bảo vệ người dân. Có dữ liệu tốt thì việc chạy các mô hình dự báo cũng hiệu quả hơn”- bà Thảo nói.

Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng: Ngay như các nước trong khu vực gần Việt Nam như Singapore, Malaysia, Philippines…, họ đều xây dựng và công bố hệ thống dữ liệu về COVID-19 rất tốt. Mọi người có thể tìm kiếm và nắm bắt thông tin dễ dàng. Điều đó cũng giúp người dân, doanh nghiệp có thể chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh, hiểu hơn về virus để ứng xử linh hoạt khi sống chung an toàn với COVID-19.

“Một ví dụ khác mà Việt Nam có thể tham khảo về dữ liệu mở: Ngân hàng dữ liệu sinh học Biobank của Anh mở ngân hàng dữ liệu về toàn bộ hệ genes của 200.000 người cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới có thể truy cập để phục vụ các nghiên cứu sinh y. Khoảng 20.000 nhà nghiên cứu từ hơn 90 nước đã đăng ký truy cập/sử dụng nguồn dữ liệu này. Dự kiến đến năm 2023 sẽ có thêm thông tin về 300.000 hệ genes (genomes) người sẽ tiếp tục được mở cho các nhà nghiên cứu truy cập/sử dụng.” – bà Thảo cho biết thêm.

Chuyên gia: Cần thêm dữ liệu để có giải pháp giảm tử vong vì COVID-19 - ảnh 2
TP.HCM đã bắt đầu mở cửa trở lại từ 1-10. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trên thực tế, từ cuối tháng 9-2021, TP.HCM đã cho phép quận 7 vận hành Trung tâm điều hành kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dịch vụ hành chính công quận 7. Bước đầu cho thấy quận đã xây dựng được hệ thống dữ liệu theo các tiêu chí Nghị quyết 128 cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế để mở cửa an toàn. Đây có thể được xem là thí điểm của TP tiến tới xây dựng một hệ thống thông tin dữ liệu mở phục vụ cho bình thường mới. Dữ liệu có thể được mở dần dần theo nhu cầu và mục tiêu của từng giai đoạn.

Nhìn rộng ra, bài toán dữ liệu không chỉ giải quyết vấn đề y tế mà còn giúp lãnh đạo nắm bắt tình hình và ra các quyết sách về an sinh xã hội, duy trì chuỗi cung ứng, khuyến khích gia tăng sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp,… Với những kinh nghiệm thực tế sau đợt dịch thứ 4 cũng như những thành công bước đầu trong kiểm soát và sống chung an toàn với SARS-CoV-2, TP.HCM cần tiên phong trong thúc đẩy hoàn thiện hệ thống dữ liệu về dịch bệnh và phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Đó sẽ là “đòn bẩy” để các địa phương khác phối hợp và triển khai đồng bộ.

Xem thêm: lmth.3120301-91divoc-iv-gnov-ut-maig-pahp-iaig-oc-ed-ueil-ud-meht-nac-aig-neyuhc/eohk-cus/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyên gia: Cần thêm dữ liệu để có giải pháp giảm tử vong vì COVID-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools