Thầy Thái Quốc Khánh - Ảnh: Q.NA
Chỉ còn hơn một tháng nữa, thầy Khánh sẽ nghỉ hưu sau 36 năm gắn bó với nghề giáo. Hội đồng giáo viên trường bàn tính việc tổ chức tiệc chia tay. Loáng thoáng nghe được, ông lập tức thông báo luôn trong buổi họp hội đồng giáo viên:
"Tui làm xong việc tui thì tui về nghỉ. Như lá trên cây phượng trước sân trường hết xanh đến vàng thì rụng xuống cho lá khác nảy mầm nhẹ nhàng rứa thôi. Không cần phải lễ tiệc ầm ĩ chi hết...".
Quà cho trò nghèo
Anh Nguyễn Văn Mạnh và chị Nguyễn Thị Trang, ở thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa, là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất vùng.
Anh chị có năm người con đều đang tuổi đi học nên ngoài nỗi lo cơm áo thì nỗi lo về chi phí học hành cho con là một nỗi ám ảnh mỗi đầu năm học. Nhưng có một kỷ niệm mà vợ chồng anh không thể quên được về thầy Khánh.
Đó là một ngày đầu tuần ngay sau dịp lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam của hai năm trước. Con gái anh Mạnh đang học lớp 10 của trường này, còn anh nằm trong ban đại diện hội cha mẹ học sinh.
Trước ngày lễ khoảng vài ngày, hội cha mẹ học sinh quyết định trích từ quỹ của hội ra một phần quà gửi tặng cho tập thể giáo viên của trường.
Ngày chính lễ, đại diện hội cha mẹ học sinh mang hoa cùng một phần quà đến tặng trường một cách tế nhị. Khách vừa rời khỏi, phần quà được các giáo viên phát hiện. Một ý nghĩ lập tức lóe lên trong suy nghĩ của thầy hiệu trưởng.
"Vài ngày sau, tui nhận được điện thoại của trường báo tin con tui nằm trong nhóm 10 bạn con nhà khó khăn học giỏi được nhận một phần quà của trường. Phần quà của hội phụ huynh tặng trường đã được thầy Khánh "biến" thành quà cho học sinh nghèo vượt khó", anh Mạnh vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại.
Hiểu cuộc sống người dân
Thầy Khánh nói rằng không phải tự nhiên mà mình nghĩ đến việc đó. Thầy đã ở cùng người dân vùng Cùa này nhiều năm. Thầy hiểu được cuộc sống của người dân nói chung đang khó khăn đến mức nào, nên để phụ huynh gánh thêm một khoản dù nhỏ cũng thấy thương.
Cô Nguyễn Thanh Hồng, hiệu phó của trường, nói cũng chính vì một chữ "thương" này mà nhiều năm qua thầy Khánh chủ trương hẳn cho trường là nhất quyết không thu thêm của phụ huynh bất cứ khoản nào ngoài những khoản được Nhà nước quy định.
Ngay cả tiền hỗ trợ nước uống cho cán bộ coi thi trong những kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia những năm vừa qua trường cũng không thu của học sinh, trong khi nhiều trường khác thu đến gần trăm ngàn đồng mỗi học sinh.
"Đầu mỗi kỳ thi thầy Khánh luôn nói học sinh không cần phải nộp tiền nước cho cán bộ coi thi vì các giáo viên đi coi thi đã có chế độ của Nhà nước trả rồi. Còn các khoản thu thêm của phụ huynh thì thầy nói phải tiết kiệm từ ngân sách mà làm chứ không được đặt thêm gánh nặng nào lên vai phụ huynh nữa", cô Hồng kể.
Ba năm tham gia hội cha mẹ học sinh, anh Mạnh cũng đã không ít lần ngạc nhiên về hiệu trưởng của trường con mình học. Nghe bạn bè là phụ huynh có con học ở những trường khác kể, anh lại càng ngạc nhiên về trường con mình học hơn.
"Gặp được hiệu trưởng như thầy Khánh, những phụ huynh nghèo như tui thấy được chia sẻ nhiều lắm. Thầy nghĩ cho phụ huynh còn hơn cả người nhà", anh Mạnh tâm sự.
Không lấy công tập thể làm của mình
Trường Lê Thế Hiếu nằm tách biệt giữa bốn bề là núi và là một trường vùng khó của huyện Cam Lộ. Những ngày tháng về làm hiệu trưởng trường này của thầy Khánh cũng là những ngày khốn khó nhất của trường. Nhưng điều kỳ lạ là năm nào trường cũng đạt thành tích nằm trong tốp đầu của tỉnh.
Những ngày giữa tháng 11 vừa qua, ba em học sinh lớp 12 của trường vừa mang về cho trường thêm ba giải thưởng môn tiếng Anh và địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ban giám hiệu trường đang chuẩn bị sẵn lễ trao thưởng cho các em vào giờ chào cờ đầu tuần.
Những giáo viên trong trường lại nhắn thầy hiệu trưởng việc lên trao thưởng cho học sinh đạt giải. Thầy Khánh lắc đầu: "Thành tích của các em đạt được là nhờ các giáo viên bộ môn dạy dỗ mà nên. Nên người xứng đáng trao thưởng cho các em phải là những thầy cô đã trực tiếp đào tạo các em".
Cô Hồng cũng là người gắn bó với trường 22 năm nói rằng đây không phải là lần đầu tiên thầy Khánh làm như thế, và những giáo viên ở trường không còn lạ với những suy nghĩ và hành động kiểu "dị" của thầy.
Gần như năm nào trường cũng có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhưng chưa bao giờ thầy "nhận" phần trao thưởng cho học sinh về mình.
Thầy Khánh về làm hiệu trưởng Trường Lê Thế Hiếu từ năm 2008. Tròn 13 năm ở ngôi trường này và gần như năm nào thành tích của trường cũng nằm tốp đầu nhưng điều kỳ lạ là thầy chưa từng nhận khen thưởng của bất cứ cấp nào, ngành nào.
Cô Hồng kể những năm đầu khi thầy Khánh về trường đã đạt được rất nhiều thành tích. Cuộc họp bình xét thi đua cuối năm toàn bộ giáo viên của trường đều biểu quyết cho thầy Khánh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và lao động xuất sắc. Nhưng thầy đều gạt đi và từ đó đến nay thầy chỉ nhận mình là hoàn thành nhiệm vụ.
Nhắc chuyện này, thầy Khánh chỉ cười. Thầy nói ai cũng thích được khen thưởng. Đó là sự ghi nhận công lao đóng góp cho tập thể, cho ngành. Nhưng nhận thì phải xứng đáng và đúng với công lao của mình. Không thể lấy công sức của tập thể mà nhận về riêng mình.
Tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma
Buổi sáng 14-3-2016 trở thành một buổi sáng "lịch sử" tại Trường THPT Lê Thế Hiếu. Đúng buổi chào cờ đầu tuần, thầy trò tổ chức một phút tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.
Đúng một năm sau, cũng vào giờ chào cờ, một lễ tưởng niệm quy mô với sự góp mặt của hai cựu binh trở về từ trận hải chiến, đó là Lê Hữu Thảo và Trần Thiên Phụng, được tổ chức ở sân trường. Và người tổ chức những lễ tưởng niệm này là thầy Khánh.
Quản lý bằng cả trái tim
Bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Trị, nói thầy Khánh là hiệu trưởng "lạ" nhất trong các hiệu trưởng ở Quảng Trị. Thầy lạ cả trong cách quản lý và cả con người.
Thầy quản lý không bằng những quy tắc hành chính thông thường mà bằng cả trái tim. Thầy cũng dành hết tâm huyết của đời mình cho học trò. Và hiệu quả thì đã thể hiện rất rõ qua thành tích mà Trường Lê Thế Hiếu đạt được nhiều năm qua.
"Thầy về trường lúc khốn khó, thiếu thốn đủ bề. Nhưng thầy cùng các giáo viên đã từng bước đưa trường vượt qua và vươn lên đứng tốp đầu các trường của tỉnh. Đó là một người thầy coi trường là nhà và coi trò như con" - bà Hương nói.
TTO - Nhiều khẩu hiệu trong các trường học bấy lâu nay chỉ mang tính hình thức, tác dụng tích cực như mong muốn không còn nữa, nên bỏ đi hoặc không làm thêm nữa, theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang.
Xem thêm: mth.20274649172111202-noc-al-ort-ioc-ahn-al-gnourt-ioc/nv.ertiout