vĐồng tin tức tài chính 365

'Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm'

2021-11-28 11:09
Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm - Ảnh 1.

Bãi phù sa nơi Đất Mũi - Ảnh: TRẦN THANH LÂM

Chính vì thế mà hơn mười năm trước, tôi quyết định chọn Đất Mũi là nơi đến đầu tiên của chuyến "giang hồ" đầu đời. Để rồi nhiều năm sau, tôi vẫn không quên được lần ngồi tàu từ thành phố Cà Mau ra xóm Mũi.

Hồi ấy, bến tàu Cà Mau đông đúc sôi động chẳng khác gì bến xe liên tỉnh. Chuyến tàu tôi đi có hai dãy ghế ngồi song song cặp hông tàu, trên nóc chất đầy rau củ, gạo muối, gà vịt... 

Những người ngồi hai bên dãy ghế tự nhiên như ngồi ở nhà mình. Có bà già vừa kể chuyện kháng chiến vừa ngoáy trầu trong cái ống đồng làm từ vỏ đạn 12 ly 7. Có người mẹ vừa vén áo cho con bú vừa chia sẻ kinh nghiệm ở cữ với người khách lạ kế bên. Tiếng máy nổ rền vang không làm cho chiếc tàu bớt đi sức sống.

Tàu chạy băng băng qua những dòng sông lúc thẳng lúc cong; nghiêng người qua những đoạn cua có mấy nhánh bần hoang de ra mặt nước. 

Người trên tàu chìa tay hái lấy một trái bần, nói bâng quơ như nói với cả chuyến đò: "Để chiều về nấu cá kho". Đâu đó, trong đám khói hầm than đước lan tỏa trên bờ sông, có người đàn ông lưng trần chờ tàu vừa tới nói vói theo "bà con có ai đi Rạch Gốc cho tui gửi lời nhắn thằng Út Mót về, vợ đẻ!". Bất giác có người lên tiếng "dạ nghe!". 

Hỏi ra mới biết chẳng quen biết gì nhau nhưng bởi nhà ở Rạch Gốc nên "dạ nghe" như một sự bảo chứng cho lời nhắn nhất định sẽ đến tận nơi.

Tôi đặt chân đến Mũi sau hơn năm tiếng ngồi tàu đò. Chợ Đất Mũi đơn sơ, hàng hóa cũng đơn sơ. Những tiệm sạc bình cắm nheo nhóc ăcquy ghi tên những người ở Ngọn Kinh, Lung Ấu, Đồng Năng..., nghe tên địa danh mà thấy heo hút vô ngần.

Từ ngôi chợ nhỏ nơi bến tàu, phải đi xe ôm bằng con đường mòn ngoằn ngoèo khá xa mới đến được bãi đất cuối trời. Nơi ấy ngoài tượng đài hình chiếc tàu với cánh buồm thì còn có một xóm nhỏ với hơn chục nóc nhà. 

Tôi đặt chân lên xóm khi trời còn đứng nắng, những đứa trẻ đầu trần đi chân đất, chạy theo khách lạ, nhìn tôi mỉm cười như một lời chào thơm thảo của miền đất phù sa lấn biển. 

Dường như tính cách hiếu khách của xứ Mũi đã ăn sâu vào tiềm thức cư dân, đến đứa trẻ đang ôm bầu sữa mẹ, nghe tiếng người lạ cũng quay mặt ra nhìn, chăm chú và long lanh mắt.

Xóm Mũi lạ trong tôi không chỉ ở đất và người. Mà đến cả những mái nhà cũng lạ. Ở đây hầu hết nhà đều không có... cửa. Một ít nhà có làm cửa đơn sơ mà quanh năm cũng chẳng đóng bao giờ. Những ngôi nhà có chủ đi xa, cửa vẫn mở toang đón gió. Khi đi đâu xa, chủ nhà chỉ cần nhắn với hàng xóm một lời. 

Ở Mũi, gửi nhà lại bằng lời, chắc chắn còn hơn người ta khóa cửa bằng mấy lớp khóa kiên cố. Nên dẫu có để chiếc xe máy trước nhà suốt mấy ngày ròng, không khóa, khi về vẫn vẹn nguyên.

Hỏi các cụ già vì sao ở đây nhà không có cửa. Các cụ cười hiền từ đáp, "để vậy cho gió mát". Người ta hồ hởi đón gió như đón người bạn thân tình, và người khách lạ phương xa đến Mũi, cũng thấy ấm lòng khi đi quanh xóm mười mấy nóc nhà thì đúng y mười mấy lần được gọi mời vào "ăn bữa cơm lấy thảo".

Một lão ngư ngồi bên mâm nhậu với mấy miếng khô cá chỉ đường mời tôi ghé lại nhâm nhi. Ông nói "nhìn bộ dạng biết khách xa đến, uống một ngụm làm quen!". "Uống một ngụm" của ông lão không dừng lại "một ngụm", mà còn tiếp nữa bằng những câu chuyện dông dài. 

Ông kể từ xa xưa đã có những đoàn người từ nhiều nơi rong ruổi đến đây định cư và lập nghiệp. Họ là những nông dân cùng cực, đi tha phương thành từng đoàn, đi mãi, đến cửa biển không biết đi đâu nữa thì ở lại nơi này. 

Nhấp một ly rồi ông khề khà "chắc ông bà mình xưa khổ lắm, cùng đường mới đi xuyên rừng ra đến biển". Có lẽ vậy mà những lớp cư dân đầu tiên xuôi theo kênh theo rạch đi đến nơi "cùng trời cuối đất" đã đồng cảm với nhau, cùng chung hoàn cảnh coi như ruột rà. 

Bám rễ và gắn kết vượt qua những thử thách vừa khắc nghiệt vừa hào sảng của thiên nhiên. Để rồi người đã cảm hóa được tấm lòng của đất, của sông, của đồng, của biển. 

Thiên nhiên vì thế đã ưu ái ban tặng dân xứ Mũi bao la tôm cá. Để rồi dẫu khi bị giặc bao vây, giữa sâu thẳm rừng ngập mặn, mẹ đất vẫn trổ sữa qua trái mắm, mật ong để nuôi lấy những đứa con mình, vững lòng, vững chí.

Tôi trở lại Đất Mũi sau nhiều năm, lão ngư năm nào tóc đã trắng như bông, chất giọng vẫn hào hùng khi cất lên tiếng hát những bài ca kháng chiến. 

Những ngôi nhà bằng cây đước đã thay bằng nhà tường cao ráo. Con đường nhựa đã rộng mở thẳng tắp từ thành phố Cà Mau đến đất Mũi, nối liền tuyến đường xuyên Việt từ cực Bắc đến cực Nam. 

Đất Mũi không còn ngăn sông cách chợ, những chiếc tàu đò xì xịt len lỏi kinh rạch rừng tràm hầu như không còn nữa, nhưng "Mắm trước, đước sau, tràm theo sát. Sau hàng dừa nước mái nhà ai" vẫn còn đó. Và bên mâm rượu đơn sơ nơi ngạch cửa những ngôi nhà không cửa, tiếng gọi mời "uống một ngụm làm quen" chưa bao giờ tắt ở mảnh đất cuối trời.

Mười năm, lòng người đã bồi lở những nơi đâu, mà sao khi quay lại vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày hai mươi tuổi. 

"Ngón chân cái" đã vươn đến nơi đâu mà sao vẫn chưa bao giờ khô sứ mệnh của bùn. Như hạt phù sa muôn ngã, tôi thấy những lưu dân (và cả chính mình) được bồi tụ lại nơi đây, nơi lòng người không bao giờ đóng cửa!

Con cá chốt giấy Cà Mau và Con cá chốt giấy Cà Mau và 'cô Năm kho quẹt'

TTO - Có dịp ghé lại nhà cô Năm - nhà thơ, nhà sưu tầm dân ca Lê Giang, thể nào cũng được cô chèo mời ở lại ăn cơm, quyến rũ không chỉ là rau xanh hái ngay bên hông nhà, mà là món kho quẹt của cô hương vị thật đặc biệt...

Xem thêm: mth.21644931272111202-mad-nav-nub-ohk-auhc-iac-nahc-nogn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools