Trong tuần đầu tiên thu phí, mỗi ngày có hơn 16.000 khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: NAM TRẦN
So sánh không có nhiều ý nghĩa
Theo ông Vũ Hồng Trường - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, trong 7 ngày thu tiền từ 21 đến 27-11, đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác 1.421 chuyến tàu an toàn, chở 113.024 hành khách. Bình quân mỗi ngày có 16.146 hành khách đi tàu.
Trong đó, tỉ lệ khách thuộc đối tượng miễn phí là 4%, khách mua vé tháng 20,3%. "Hành khách đi thường xuyên bằng vé tháng có xu hướng tăng, khách đi trải nghiệm có xu hướng giảm vì đã đi trải nghiệm nhiều trong 15 ngày miễn phí", ông Trường cho biết.
Trước đó, trong 15 ngày tàu Cát Linh - Hà Đông chạy miễn phí, bình quân mỗi ngày có hơn 25.000 hành khách đi tàu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông - cho rằng số khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông trong một tuần thu phí không phải là ít. Nếu so với một tuyến xe buýt thông thường thì con số này gấp 5-6 lần.
Theo ông Bình, không nên so sánh con số khách đi tàu trong thời gian đầu với công suất thiết kế của dự án. "Đây là loại hình rất mới với người dân Việt Nam nên cần thời gian làm quen, có thể mất 3-6 tháng để thu hút khách đi tàu chứ không thể tăng vọt lên bằng công suất thiết kế trong vòng 1-2 tuần", ông Bình nhận định.
Ông Bình cũng cho rằng so sánh số khách đi tàu những ngày miễn phí với ngày thu phí không có nhiều ý nghĩa. Bởi vì, lúc miễn phí nhiều người có nhu cầu đi tàu để tham quan, trải nghiệm sớm loại hình lần đầu tiên có ở Việt Nam. Khi thu phí, phần lớn khách là những người có nhu cầu đi lại thực, khác biệt lớn là bình thường.
Một lý do khác được ông Bình đưa ra là tàu điện rất phù hợp với những người có lộ trình đi lại cố định như học sinh, sinh viên và dân văn phòng. Nhưng do dịch COVID-19, đối tượng hành khách chính của tàu điện là học sinh, sinh viên các trường dọc tuyến metro Cát Linh - Hà Đông vẫn học online, còn dân văn phòng nhiều nơi vẫn làm việc cách nhật.
Cần thay đổi thói quen, hoàn thiện kết nối hạ tầng
"Hiện nay vẫn có thể kết hợp đi xe buýt với metro thay cho xe cá nhân. Nhưng để người ta thay đổi thói quen đi lại thì cần nhiều thời gian chứ không chỉ 1-2 tuần mà kết luận được. Trước hết cứ chạy tàu an toàn, không có sự cố để tạo sự yên tâm cho hành khách.
Tôi kỳ vọng con số hơn 16.000 khách/ngày sẽ tăng lên được gấp đôi, gấp ba trong thời gian tới. Nhưng để thay đổi thói quen đi lại cần làm nhiều thứ, trong đó có cả cải thiện điều kiện đi bộ từ nhà tới ga", ông Bình cho biết.
Theo thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, phó trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, khoa vận tải - kinh tế, Đại học Giao thông vận tải, trong bối cảnh hiện tại, metro Cát Linh - Hà Đông chủ yếu phục vụ người sống và làm việc dọc tuyến đường sắt này, bởi vì tính liên thông trong mạng vận tải công cộng và mạng metro nói riêng vẫn còn yếu.
"Các tuyến xe buýt kết nối metro Cát Linh - Hà Đông vẫn có năng lực vừa phải, chủ yếu phục vụ học sinh, sinh viên và người già. Với vận tải công cộng, khi mạng lưới chưa đủ lớn để đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại thì nhu cầu trên 1 tuyến cụ thể còn hạn chế", ông Tuấn nhận định.
Ngoài việc học sinh, sinh viên của hơn 10 trường đại học dọc tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa đến trường, theo ông Tuấn, tâm lý ngại đi phương tiện công cộng do dịch COVID-19 còn hiện hữu cũng làm giảm số khách đi tàu. Việc đi lại bằng xe cá nhân linh động hơn metro vẫn được phần lớn người dân lựa chọn.
"Khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ tăng lên khi các hoạt động đời sống và người thường xuyên sử dụng vận tải công cộng trở lại bình thường. Trong tương lai, khi có một mạng metro bao phủ các hướng đi chính và xe buýt đóng vai trò phụ trợ cho việc tiếp cận đến nhiều vùng phục vụ khác nhau, các tuyến metro sẽ tăng đột biến lên 80.000-100.000 hành khách/ngày", ông Tuấn phân tích.
TTO - Metro Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại có thu tiền từ ngày 21-11. Đơn vị quản lý cũng đưa ra nhiều mức vé và thay đổi thời gian tàu chạy để thuận tiện cho người dân Hà Nội đi lại.
Xem thêm: mth.6535333192111202-ueihn-auhc-gnod-ah-hnil-tac-uat-id-hcahk-oas-iv/nv.ertiout