Hà Nội - Đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để trang trí Noel, nhiều cửa hàng kinh doanh đang trong thời điểm "ăn nên làm ra". Tuy nhiên, họ vẫn không khỏi lo lắng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đầu tư cả trăm triệu
Khoảng 3 tuần nay, từ khi đầu tư trang trí Noel, quán cà phê của chị Hoàng Thụy An trên phố Nguyễn Ngọc Vũ tấp nập khách ra vào. Trung bình mỗi ngày, quán đón khoảng 100 lượt khách. Đặc biệt vào dịp cuối tuần, lượng khách cao hơn gấp đôi.
Nói về việc đầu tư trang trí, chị An cho biết, quyết định làm trước hơn một tháng để giúp cho khách hàng có thời gian tham quan, chụp ảnh sớm hơn, đồng thời có thể thực hiện tốt việc giãn cách trong thời điểm dịch bệnh, hạn chế tụ tập đông người.
Việc thay đổi không gian của quán không chỉ đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, chụp ảnh của các “thượng đế” mà còn góp phần thúc đẩy doanh thu của cửa hàng.
“Mỗi dịp Trung thu, Tết, Noel... cửa hàng mình bỏ ra từ 8 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng để trang trí. Bên cạnh đó, việc tổ chức các minigame với phần thưởng lên tới 2-3 triệu đồng cũng nằm trong kinh phí của cửa hàng. Bọn mình triển khai trang trí Noel từ đầu tháng 11, ngay sau khi kết thúc mùa Noel khoảng 1 - 2 tuần thì không gian Tết sẽ được lên” - chị An cho hay.
Theo khảo sát của PV, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các quán cafe trên phố Vệ Hồ, Hoàng Ngân, Đặng Dung… đã bắt đầu triển khai trang trí Noel. Nhiều địa điểm hình thức trang trí rất quy mô, có nơi chi phí đầu tư lên tới cả trăm triệu đồng.
“Năm nay, tôi có mở thêm một không gian mới với các hình thức trang trí có sẵn là mây tre trúc, mảng tường decor theo mô hình núi. Vì thế, tôi quyết định dồn hết tất cả đồ trang trí Noel vào nữa, tổng chi phí trang trí khoảng gần 100 triệu đồng” - chị Nguyễn Thị Kim Quý, chủ một thương hiệu cà phê trên phố Vệ Hồ, chia sẻ.
Nơm nớp lo đóng cửa
Theo ghi nhận của PV, tại các điểm quán cafe có trang trí Noel, lượng khách ra vào rất đông. Để đảm bảo công tác phòng dịch, đa số cửa hàng đều thực hiện tốt các biện pháp như: Yêu cầu khách hàng quét mã QR để khai báo y tế; ngồi ở vị trí giãn cách; nhân viên hướng dẫn du khách check-in…
Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, nhiều cửa hàng kinh doanh bắt đầu hoạt động trở lại, thậm chí “ăn nên làm ra” vào thời điểm cuối năm. Tuy vậy, họ cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Nói về tổn thất do đợt dịch thứ 4 gây ra, chị Nguyễn Thị Kim Quý chia sẻ: “Thời điểm đó, chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều, đóng cửa nên không có nguồn thu. Trong khi đó, tôi vẫn phải trả chi phí mặt bằng 10 triệu đồng/tháng và trả ½ lương cho nhân viên”.
Cũng theo chị Kim Quý, với người làm kinh doanh, việc không hoạt động một ngày thôi thì tổn thất kinh tế đã rất nhiều. Ngoài ra, nhu cầu của giới trẻ hiện nay không còn là việc uống cà phê đơn thuần, mà họ chuộng không gian đẹp nên chi phí đầu tư trang trí là không hề nhỏ. “Chúng tôi rất lo ngại nếu thành phố phải đóng cửa, việc kinh doanh thời điểm này thật sự rất áp lực” - chị Kim Quý thông tin.
Mặc dù lo ngại, song các chủ cửa hàng kinh doanh đều cho biết sẽ thực hiện tốt các chỉ thị của thành phố. “Việc đóng cửa là không ai muốn cả, nhưng nếu dịch bệnh phức tạp, buộc phải đóng thì chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận. Cửa hàng là tâm huyết, đã đi vào hoạt động nhiều năm và cũng có tên tuổi, vì vậy, dù có đóng cửa thì sau đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục vực dậy để mở cửa đón khách” - chị Thụy An cho hay.
Xem thêm: odl.319879-auc-gnod-ol-pon-mon-nauq-gnah-ueirt-mart-ac-leon-irt-gnart-ut-uad/et-hnik/nv.gnodoal