Thi công đường cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 qua địa phận Ninh Bình - Thanh Hóa là 1 trong 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH
Đó là một trong những nội dung thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ký ban hành.
Cụ thể, về hình thức đầu tư và bố trí nguồn vốn cho dự án, Chủ tịch Quốc hội đồng ý về nguyên tắc có thể đầu tư toàn bộ các dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức đầu tư công. Chính phủ có giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, điều hòa nguồn vốn đầu tư công… bảo đảm nguồn vốn để triển khai các dự án thành phần trong dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao, gắn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai dự án này, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đề ra.
Về kiến nghị Quốc hội giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Quốc hội nhận định dự án đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Tuy nhiên, việc giao cho các địa phương sẽ không phù hợp với quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật ngân sách nhà nước, Luật xây dựng, Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, đường cao tốc là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực quản lý và triển khai dự án ở trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có yêu cầu cao trong việc khai thác đồng bộ toàn tuyến.
Trong khi kinh nghiệm của các địa phương hiện nay rất hạn chế, lại đang phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và quản lý, giải ngân vốn đầu tư công của địa phương. Vì vậy, tất cả các cơ quan đều không đồng tình. Giao Bộ Giao thông vận tải là đầu mối duy nhất tổ chức thực hiện đầu tư dự án.
Trước ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ngày 29-11, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện tiếp thu, giải trình ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội góp ý về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thiện các văn bản để trình Quốc hội trước ngày 2-12-2021.
Ngày 15-11, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, từ Quảng Ngãi đến Nha Trang, từ Cần Thơ đến Cà Mau dài khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định việc giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần.
TTO - Phương án Chính phủ đưa ra sẽ đầu tư công 12 dự án đường cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 thay vì đầu tư PPP là hợp lý. Nhưng giao cho địa phương triển khai đầu tư xây dựng các dự án này phải tính toán kỹ.
Xem thêm: mth.20245332292111202-5202-1202-naod-iaig-man-cab-cot-oac-gnoud-na-ud-gnoc-ut-uad-eht-oc/nv.ertiout