vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 2: Sa Mù mê hoặc

2021-11-30 09:59
Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 2: Sa Mù mê hoặc - Ảnh 1.

Con hổ quý làm tiêu bản ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa - Ảnh: P.X.D.

Nơi một ngày có xuân, hạ, thu, đông

Từng qua lại vùng Bắc Hướng Hóa, quanh co với đèo Sa Mù không chỉ một lần, nhưng tôi cũng chỉ nghĩ đây là con đèo ngoạn mục, còn núi rừng chắc cũng như nhiều nơi khác. Nhưng một hôm khi nghe nhận xét này, một anh bạn cười và nói với giọng bí hiểm: "Ông nên lên nơi ấy nhiều chuyến, nhưng không phải theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, rồi sẽ hiểu".

Tôi nghe vậy, vài hôm sau xách balô lên đường, đến nay đã nhiều chuyến lăn lóc, lặn lội với núi rừng Bắc Hướng Hóa. Đúng là khi thâm nhập mới vỡ vạc nhiều điều lý thú.

Còn nhớ lần đầu gặp, cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa hỏi tôi: "Đây có mấy điều không nơi nào có được, anh nói thử xem". Tôi chỉ nói được một điều là có đường nhựa (đường Hồ Chí Minh) chạy ngang khu bảo tồn với độ dài hơn 50 cây số nên mọi người thuận tiện khi tham quan du lịch, còn những điều khác, tôi chịu. 

Anh Nguyễn Tân Hiếu, một cán bộ khá trẻ nhưng am hiểu công việc, giảng giải: "Đây là khu bảo tồn duy nhất có cả Đông và Tây dãy Trường Sơn cùng có mặt, trong lúc các nơi khác chỉ có Đông Trường Sơn nên hệ động, thực vật phong phú. Thứ nữa, đây cũng là khu bảo tồn duy nhất không có lực lượng kiểm lâm tham gia trực tiếp bảo vệ rừng".

Tôi ngạc nhiên và cảm thấy hứng thú thực sự khi đứng trên đỉnh Sa Mù cao tương đương Đà Lạt (1,550m) và sương mù bay là là trước mặt, có khi ngay dưới chân mình đúng như tên gọi con đèo mà một ngày có thể đủ cả bốn mùa. Sau khi đi bộ chán chê, tôi chạy xe máy chở theo anh bạn đồng nghiệp phượt theo đèo Sa Mù. Cảm giác trải nghiệm thú vị dọc theo con đèo 20 cây số, dài như đèo Hải Vân đệ nhất kỳ quan.

Những vách núi Sa Mù dựng đứng như thách thức con người, những thác nước tưởng chừng như từ trên trời rơi xuống và những vực sâu hun hút, những bản làng lúc ẩn lúc hiện trong màn sương khi mỏng khi dày giữa đại ngàn điệp trùng và hùng vĩ. Thỉnh thoảng lại gặp những đoàn thanh niên dưới phố du lịch "bụi", rồi cả những ông Tây bà đầm còn khá trẻ cũng đi xe máy dừng lại bên đường ngắm cảnh và chụp ảnh.

Nhưng đến khu bảo tồn nào chỉ có thế...

Gỗ quý và hổ quý

Thú thật, tôi không ngờ mình tận mắt được nhìn thấy loại cây này.

Đọc các truyện xưa, có những câu chuyện vua chúa bị đầu độc. Tôi nghe nói đề phòng đầu độc, các ngự y trong triều đã nghiên cứu và tìm ra đặc tính của cây gỗ kim giao, dùng nó làm đũa cho các bậc quân vương. Nếu trong thức ăn có độc, lập tức đũa sẽ đổi màu. Đó là những chuyện mang bóng dáng cổ tích mà mấy ai nghĩ sẽ gặp giữa đời thường một cách bất ngờ.

Sau những lần leo núi, một hôm cán bộ bảo tồn dẫn chúng tôi tham quan phòng trưng bày tiêu bản. Trước mắt tôi mấy chữ ngay ngắn: "Kim giao núi đất". Tôi hỏi ngay: "Đây có phải loại cây làm đũa để vua chúa phòng có kẻ đầu độc". Anh Nguyễn Tân Hiếu điềm đạm gật đầu, tay đưa vật mẫu lên để chúng tôi nhìn cho rõ. Chuyện xa xôi nơi cung vàng điện ngọc từ thời não thời nao bỗng gần gũi hiện về trước mắt. Chuyện từ cây gỗ kim giao nghe như huyền thoại.

Chưa hết! Tôi nhìn thấy một con hổ to tướng được trưng bày có tên là "Hổ Đông Dương" cũng là loại quý hiếm có thể đưa vào sách đỏ. Tôi thắc mắc nhưng sao nó lại có mặt nơi đây với hình thù như khi đang sống mà lẽ ra kẻ nào săn bắt nó chắc chắn phải lãnh án tù. Biết được thắc mắc của tôi, ông Hà Văn Hoan, giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, nói: "Chuyện hơi dài, lúc nào rảnh tôi sẽ kể anh nghe".

Tối hôm đó, bên chén rượu tâm tình, anh Hoan bắt đầu kể: "Dù không phải là người trong ngành nhưng chắc anh cũng biết hổ Đông Dương là loại thú quý hiếm đến mức nào, ai dám đụng đến nó? Và như vậy thì lấy đâu ra tiêu bản để chúng tôi trưng bày không phải là như thật, mà đúng là hổ thật 100%. Anh thấy khó hiểu phải không?".

Tôi gật đầu và anh Hoan kể tiếp: "Con hổ này là tang vật của một vụ án săn bắt thú rừng từng gây kinh động dư luận nhiều năm về trước. Một cơ quan cấp sở lúc đó cũng đã đề nghị cơ quan chức năng giao con hổ cho họ. Thấy vậy, đơn vị tôi báo cáo với ngành xin đưa con hổ về đây làm tiêu bản. Lúc nó sống thì không nói làm gì, đó là tài sản vô giá của núi rừng, nhưng nay nó chết cũng phải quay lại núi rừng bằng cách làm tiêu bản cũng là phục vụ nghiên cứu khoa học. Thuyết phục được ngành chức năng cũng không phải chuyện đơn giản, nhưng may mắn thành công, vì họ hiểu và thông cảm việc mình đề xuất.

Nhờ vậy, tang vật không tiêu biến hoặc dùng vào việc không thích hợp. Con hổ về lại với núi rừng một cách hữu ích theo cách làm của đơn vị bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa".

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 2: Sa Mù mê hoặc - Ảnh 2.

Rừng xanh hoang sơ ở Sa Mù - Bắc Hướng Hóa - Ảnh: P.X.D.

"Gánh" hoa Đà Lạt về Sa Mù

Chừng một năm nay rộ lên chuyện trồng hoa ly và nhiều loài hoa khác vốn mang thương hiệu Đà Lạt trên đỉnh Sa Mù. Đây là sự lạ chưa từng có không chỉ ở núi rừng Hướng Hóa. Dẫu rằng khí hậu có nhiều nét tương đồng nhưng trồng các loại hoa ôn đới cũng là điều quá mới mẻ. Đây là sản phẩm đang trong quá trình thử nghiệm của Sở Khoa học và công nghệ Quảng Trị ở vùng đất thường được mệnh danh là "chảo lửa" của nắng gắt và gió Lào khô nóng.

Vừa rồi hỏi chuyện, anh Trương Minh Hậu - cán bộ khu bảo tồn - xuýt xoa: "Ôi, năm ngoái "cháy" hàng luôn, mấy đứa em ở gần nhưng chủ quan nên cũng không mua được hoa ly Sa Mù".

Chúng tôi sang khu vườn ươm để tận mắt chứng kiến sự lạ.

Một khu nhà kính mở ra trước mắt. Dù đang mùa nắng hạn nhưng chứng kiến hoa ở đây, người xem không khỏi sững sờ. Đúng là kỳ hoa dị thảo ở nơi "túi gió" Lào. Kỹ sư trẻ Lê Ngọc Trí giới thiệu đôi điều cơ bản. Hoa trồng ở đây không chỉ là ly, tulip, lan hồ điệp... mà còn nhiều loại hoa sang trọng khác. Mọi chuyện đang diễn ra suôn sẻ sau những tháng ngày tìm kiếm và trăn trở.

Anh Trí nói thêm, cần hỏi gì thì chờ anh Nguyễn Trường Học, cán bộ phụ trách kỹ thuật ở đây, một người say mê công việc mà chính anh em cán bộ khu bảo tồn cũng không tiếc lời khen ngợi. Tôi nhìn vào khu tập thể giữa đồi gió hú, ngạc nhiên thấy hai đứa trẻ và một người phụ nữ. Hỏi ra mới biết đó là vợ con anh Học. Mẹ của hai cháu cho biết anh Học đã đưa con lên đây để học ở trường miền núi Hướng Phùng, nơi cách trạm 12 cây số đường đèo Sa Mù. Tôi càng hiểu hơn khi những người gắn bó với công việc đưa cả gia đình lên đây thì tương lai vùng núi này càng rộng mở.

Nhớ lại giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Quảng Trị Trần Ngọc Lân chia sẻ với báo chí việc thử nghiệm thành công trồng hoa ôn đới ở đây sẽ rộng mở cánh cửa du lịch sinh thái hấp dẫn và tạo cơ hội tăng thu nhập cho nông dân trồng hoa thương phẩm.

Khi lên lại Sa Mù, chúng tôi nghe anh Nguyễn Khai, một người lái xe, kể và khoe clip quay bốn con voọc chà vá Hà Tĩnh, một loài đặc hữu của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa lại xuất hiện nô đùa ngay bên đường Hồ Chí Minh đoạn gần giáp Lệ Thủy (Quảng Bình). Biết được tin này, ngay lập tức những tay săn ảnh miền xuôi đã khăn gói lên đường để mai phục chụp cho được loài thú quý hiếm bậc nhất này, thường ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc.

----------------------

Hang động đẹp như cảnh thần tiên, nhưng chúng tôi lại nhìn thấy những viên đạn, cả đạn chưa bắn. Chuyện lạ mà không khó hiểu.

Kỳ tới: Vào hang động thần tiên

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 1: Tìm khói sương huyền thoạiKỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 1: Tìm khói sương huyền thoại

TTO - Đại ngàn bắc Hướng Hóa, Quảng Trị, xưa nay chất chứa nhiều huyền thoại và sự thật.

Xem thêm: mth.28764130292111202-caoh-em-um-as-2-yk-um-as-gneiht-iun-ib-yk/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 2: Sa Mù mê hoặc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools