Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có Quyết định 2317/QĐ-TCHQ ban hành quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hướng dẫn trình tự các bước thực hiện việc phân loại, theo dõi đầy đủ, đôn đốc thu hồi nợ kịp thời và xử lý các khoản tiền thuế và khoản thu khác của người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện.
Theo đó, Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được áp dụng cho cơ quan Hải quan các cấp khi thực hiện các công việc liên quan đến quản lý nợ thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngoài ra, mục đích của Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm thường xuyên rà soát các nhóm nợ đảm bảo việc phân loại nợ theo đúng bản chất nhóm nợ, đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định.
Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm 3 phần, 3 Chương với 29 Điều hướng dẫn cụ thể việc phân loại nợ, lập hồ sơ và đôn đóc thu hồi nợ; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế và thực hiện phân loại nợ.
Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kèm theo Quyết định 2317/QĐ-TCHQ ngày 24/10/2022 thay thế Quy trình Quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018.
Phê duyệt thông báo tiền thuế sau 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
Theo đó, các nhóm nợ có khả năng thu bao gồm tất cả các khoản nợ phát sinh sắp xếp theo tiêu chí: tiền thuế nợ quá hạn chưa quá 90 ngày; tiền thuế nợ quá hạn quá 90 ngày; nợ tiền phạt vi phạm hành chính; nợ tiền chậm nộp thuế; nợ tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính;…
Đáng chú ý, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ Lãnh đạo Chi cục Hải quan hoặc Lãnh đạo Cục Hải quan, Lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan kiểm tra đề xuất của công chức, nếu đồng ý thì ký duyệt Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng quy định nguồn thông tin về người nộp thuế đến từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng; thông tin từ cơ quan quản lý thuế; thông tin trên Website Sở ké hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất;…
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Hải quan đã chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh. Tính đến hết ngày 30/6/2022, ngành Hải quan đã thu hồi và xử lý 167 tỷ đồng tiền nợ thuế.
6 tháng đầu năm các cục hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2022 với kết quả số nợ thuế đã giảm 2,83% so với thời điểm 31/12/2021.
Điển hình, các đơn vị có kết quả thu hồi nợ thuế tốt như Hải quan TP Hồ Chí Minh đạt 45,06 tỷ đồng, Hải quan Hải Phòng đạt 38,35 tỷ đồng; Hải quan Bình Dương đạt 29,58 tỷ đồng, Hải quan Thanh Hóa đạt 14,6 tỷ đồng, Hải quan Hà Nội đạt 16,04 tỷ đồng…
Bên cạnh một số đơn vị có kết quả thu hồi và xử lý nợ thuế tốt thì vẫn còn một số đơn vị có kết quả nợ thuế thu hồi thấp như: Hà Giang, Bắc Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn…
Ngoài công tác thu hồi và xử lý nợ thuế, trong 6 tháng đầu năm số tiền thuế tăng thêm do tham vấn giá trên cơ sở danh mục rủi ro về trị giá của toàn Ngành đạt khoảng 242 tỷ đồng. Trong đó một số đơn vị đạt kết quả lớn như: TP Hồ Chí Minh 179 tỷ đồng, Hà Nội 14 tỷ đồng, Hải Phòng 50 tỷ đồng…
Đặc biệt qua công tác kiểm tra sau thông quan, một số cục hải quan tỉnh, thành phố cũng đạt kết quả tốt như Hà Nội 24,7 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh 29,6 tỷ đồng; Hải Phòng 18,8 tỷ đồng; Đồng Nai 38,3 tỷ đồng…
Tuệ Minh