Theo thông tin mới từ Bloomberg, Made.com - nhà bán lẻ đồ nội thất trực tuyến đến từ Anh, đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới sau khi các cuộc đàm phán tìm người mua lại không thành công, đẩy công ty này đến bờ vực sụp đổ.
Các giám đốc cấp cao của Made.com cho biết nếu công ty không thể huy động thêm tiền trước khi lượng tiền dự trữ cạn kiệt, họ có thể sẽ phải nộp đơn xin phá sản. Ngay sau thông tin Made.com thất bại trong các cuộc đàm phán “giải cứu” với những người mua tiềm năng, giá cổ phiếu của công ty đã giảm mạnh.
Đại diện công ty cho biết thông báo tiếp theo sẽ được đưa ra khi thích hợp.
Made.com ra mắt vào năm 2011 với 2,5 triệu bảng Anh (tương đương 2,8 triệu USD) vốn tài trợ. Hai nhà đồng sáng lập của công ty là Ning Li và Brent Hoberman – những doanh nhân nổi tiếng với việc thành lập nền tảng lữ hành trực tuyến Lastminute.com.
Chân dung Ning Li.
Bùng nổ doanh số nhờ đại dịch
Ning Li nảy ra ý tưởng tìm nguồn cung ứng trực tiếp từ các nhà thiết kế, nhà sản xuất và kinh doanh đồ nội thất trên trang web Made.com, nhắm đến đối tượng ngowfi tiêu dùng am hiểu về mua sắm trực tuyến.
Trong suốt thời gian đại dịch bùng phát, doanh số bán hàng của công ty tăng vọt do các lệnh phong tỏa, giãn cách khiến mọi người “mắc kẹt” tại nhà và chỉ có thể mua sắm trực tuyến. Từng có thời điểm, ở nhiều nơi trên thế giới nở rộ phong trào mua đồ nội thất và đồ gia dụng để tân trang nhà cửa.
Theo Yahoo, doanh số bán hàng của Made.com đạt 315 triệu bảng (khoảng 363 triệu USD) năm 2020, tăng 30% so với cùng thời điểm năm 2019. Chưa dừng lại ở đó, trong ba tháng đầu năm 2021, doanh số của họ đã tăng 63%.
Sự tăng trưởng đột phá trên dẫn tới sự kiện Made.com niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán London vào tháng 6 năm ngoái với định giá là 775 triệu bảng (tương đương 893 triệu USD).
Russ Mold - giám đốc đầu tư tại công ty AJ Bell, chia sẻ: “Không ai có thể nghĩ rằng Made.com lại bị rao bán chỉ 15 tháng sau khi IPO và thời gian kinh doanh bùng nổ trong đại dịch”.
Khó khăn dồn dập
Theo ông, Made.com đã gặp không ít khó khăn do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Cụ thể, nhiều vị khách đã hủy đơn hàng do phải đợi hàng tháng trời mà vẫn chưa nhận được sản phẩm. “Sau đó, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ập đến, khiến họ càng lao đao. Giờ đây, thực phẩm và đồ thiết yếu mới là thứ được đặt lên hàng đầu trong danh sách mua sắm của người tiêu dùng”, vị giám đốc cho biết thêm.
Thông báo tạm ngừng nhận đơn đặt hàng của Made.com.
Tính đến cuối năm ngoái, Made.com có khoảng 700 nhân viên. Mặc dù Hoberman không còn tham gia tích cực vào việc điều hành nhưng vẫn là một cổ đông của công ty. Còn Ning Li, anh từng giữ chức CEO của Made.com cho đến cuối năm 2016.
Cách đây không lâu, Made.com từng tuyên bố họ cần huy động được 70 triệu bảng (khoảng 80 triệu USD) trong vòng 18 tháng tới để tồn tại. Bên cạnh đó, công ty cho biết họ cũng đang cân nhắc việc cắt giảm nhân sự để giảm chi phí. Thời điểm hiện tại, định giá của Made.com đã giảm thê thảm xuống mức 2 triệu bảng (tương đương 2,3 triệu USD).
Nguồn: Bloomberg