Đại biểu Phạm Văn Hòa
Tuổi Trẻ lược ghi ý kiến của một số đại biểu mong muốn được chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ.
* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp):
Có hay không việc "bao che", "làm ngơ"?
Lĩnh vực thanh tra được rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Nhất là việc thanh tra phải làm sao góp phần tích cực cho việc chống tiêu cực, lãng phí và thu hồi được tài sản tham nhũng do đối tượng tham nhũng gây ra. Năm 2022 thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng tỉ lệ vẫn đạt thấp.
Chính trong báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến chất vấn tại kỳ họp, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỉ lệ thấp.
Đây là một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng của nước ta hiện nay. Do đó, nội dung này có lẽ sẽ được các đại biểu rất quan tâm và chất vấn.
Thực tế cũng có câu chuyện thanh tra trước không phát hiện tiêu cực nhưng thanh tra sau lại phát hiện. Hay thanh tra trước làm đúng quy trình phát hiện sai phạm song lại "giơ cao đánh khẽ" hay "phớt lờ", "có nội dung cần thanh tra thì cố tình làm ngơ, cố tình bao che" để sai phạm đó tồn tại, đến hiện nay khi thanh tra lại thì phát hiện.
Với những câu chuyện này, việc xử lý đoàn thanh tra trước, đặc biệt là trưởng đoàn thanh tra ra sao? Điều này cần Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời rõ để đảm bảo việc thanh tra của Nhà nước là công bằng, hợp lý, vô tư và không tiêu cực.
* Đại biểu TRỊNH XUÂN AN (ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh):
Phát hiện sớm sẽ hạn chế hậu quả lớn
Đại biểu Trịnh Xuân An
Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của cơ quan thanh tra trong đấu tranh phòng chống tham nhũng có ý nghĩa rất lớn.
Trước khi xử lý các việc vi phạm pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra phải được đặc biệt quan tâm. Nếu thanh tra làm tốt, phát hiện ngay từ đầu những sai phạm để nhắc nhở, hướng dẫn, chấn chỉnh sẽ hạn chế được những hậu quả lớn về sau, không phải xử lý nặng hơn.
Với quyền hành được giao, công tác thanh tra cần thực thi hiệu quả và nỗ lực hơn nữa. Cử tri và các đại biểu chắc chắn mong được nghe Tổng Thanh tra Chính phủ nêu ra những giải pháp cụ thể để thanh tra làm tốt hơn nữa việc phát hiện sớm sai phạm, vi phạm.
* Đại biểu HỒ THỊ MINH (Quảng Trị):
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm
Đại biểu Hồ Thị Minh
Việc xử lý nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng trong công tác thanh tra sẽ tạo niềm tin cho nhân dân. Thời gian qua có rất nhiều vụ việc bị phát hiện nhờ công tác thanh tra, kiểm tra chỉ ra hạn chế khuyết điểm của cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Vai trò của thanh tra, kiểm tra cũng ngày càng được nâng lên.
Quốc hội cũng đã có đề xuất cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực thanh tra được hưởng lương và đãi ngộ riêng để thực thi công việc một cách công minh, khách quan nhất.
Thực tế đã khá lâu, từ Quốc hội khóa XIV đến nay, nội dung trong lĩnh vực thanh tra mới lại được đưa vào nhóm chất vấn, trả lời chất vấn.
Với lần trả lời này của Tổng Thanh tra Chính phủ, chắc chắn nghị trường có thể sẽ "nóng" hơn khi nhắc tới các vụ việc, đại án vừa qua được triệt phá, trong đó có một phần vai trò của cơ quan thanh tra.
Tuy nhiên, vấn đề thu hồi tài sản vẫn còn thấp. Do vậy, cử tri trên cả nước mong muốn việc thu hồi được tài sản thất thoát phải được thực hiện triệt để, đồng thời phải xử lý nghiêm túc, đúng pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân trong quá trình thanh tra phát hiện sai phạm.
* Đại biểu Dương Ngọc Hải (chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM):
Thực hiện nghiêm việc kê biên, tịch thu tài sản
Đại biểu Dương Ngọc Hải
Một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay là việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỉ lệ thấp. Do vậy, một trong những nhiệm vụ lớn đặt ra đối với ngành thanh tra là góp phần tăng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng.
Ngành phải tham mưu cho cơ quan trung ương sớm ban hành các quy định thể chế hóa việc thu hồi tiền, tài sản hoặc khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây ra.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghiêm các quy định về kê khai, công khai, minh bạch tài sản thu nhập cá nhân nhằm ràng buộc trách nhiệm đối với các đối tượng thuộc diện phải kê khai. Quy định các biện pháp chế tài cụ thể, bảo đảm tính khả thi đối với các hành vi vi phạm quy định.
Bổ sung các quy định về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức phù hợp thực tế, dễ kiểm soát, đánh giá. Thực hiện nghiêm các quy định về tịch thu, kê biên, phong tỏa tài sản, cấm xuất cảnh đối với trường hợp tham nhũng, tiêu cực.
TIẾN LONG
TTO - Trong quá trình khởi tố, điều tra án kinh tế tham nhũng, Công an TP.HCM đã kê biên, thu hồi được nhiều tài sản nhưng đơn vị này cũng xác định còn rất nhiều khó khăn liên quan đến quy định cần phải sửa đổi.
Xem thêm: mth.32103157050112202-gnuhn-maht-nas-iat-ad-iot-ioh-uht-iahp/nv.ertiout