Phát biểu tại buổi thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 3-11, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, cho rằng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia, công cộng, nếu chúng ta cụ thể hóa, lượng hóa được thành tiêu chí thì phải nói là rất tốt. Tiêu chí cho các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh cũng như các dự án liên quan đến xây dựng các công trình công cộng thì dễ rồi nhưng còn các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó.
Lần này sửa luật, một mặt cơ quan soạn thảo đưa ra các nhóm tiêu chí, mặt khác cũng phải đưa ra danh mục các dự án thuộc nhóm Nhà nước thu hồi đất. "Đúng là cần phải lượng hóa được tiêu chí, điều kiện để Nhà nước thu hồi đất các dự án này. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, phải nói là các cơ quan bên lập pháp và hành pháp chúng tôi cũng chưa có được phương án tốt hơn", Bộ trưởng Hà cho nói.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà |
Cũng theo Bộ trưởng, chênh lệch giữa giá do Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất và doanh nghiệp thương lượng, luật mới đang hướng tới việc không còn khái niệm Nhà nước thu hồi đất để làm quốc phòng, an ninh và làm đường thì giá thu hồi rẻ hơn đối với đất đai làm thương mại, dịch vụ của doanh nghiệp.
“Chúng tôi muốn tất cả các vấn đề này sẽ trên một mặt bằng về chính sách”, Bộ trưởng Hà nói và cho biết để làm được điều đó, Nhà nước sẽ trực tiếp điều tiết địa tô chênh lệch do Nhà nước điều chỉnh mục đích, xây dựng hạ tầng. Nhà nước phải hài hòa được các lợi ích này cho địa phương này với địa phương khác, giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng đất cũng như bảo đảm công bằng cho các đối tượng khác.
Về việc có nên mở rộng đối tượng thuộc diện Nhà nước thu hồi hay giảm tối đa việc này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ban soạn thảo cần có thêm ý kiến góp ý của các đại biểu.
"Quan điểm của Bộ TN&MT là Nhà nước chỉ thu hồi dự án khi chứng minh được đó là dự án công, những dự án an ninh, quốc phòng, dự án KT-XH nhưng mang lại lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Vấn đề quan trọng nhất là bằng cách nào chứng minh được dự án đó mang lại lợi ích quốc gia, công cộng. Việc này chúng tôi xác định sẽ để những người dân trực tiếp bị thu hồi đất nêu ý kiến có tạo ra lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng không, có tạo ra khoảng cách giàu nghèo không, có tạo ra bất ổn xã hội không, vấn đề giá cả bồi thường hợp lý không, tái định cư hợp lý không...
Nếu người dân nói đồng ý thì làm, còn người dân không đồng tình thì chúng ta chỉ dừng lại ở danh mục các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh và dự án Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư", ông Hà nói.
Đồng tình với một số nội dung nêu trong Điều 86 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về các trường hợp thu hồi đất cụ thể. Tuy nhiên đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cũng cùng quan điểm với Ủy ban Kinh tế nêu trong báo cáo thẩm tra, là cần hết sức cân nhắc việc quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Việc thực hiện dự án nhà ở thương mại mục tiêu đầu tiên mà chủ đầu tư hướng tới là lợi nhuận. Trong khi đó, dự thảo luật lại đưa dự án này vào danh mục dự án do Nhà nước thu hồi đất, điều này dễ dẫn đến có nguy cơ doanh nghiệp lợi dụng.
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn |
Từ đó, đại biểu Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tinh thần của Nghị quyết 18, là thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, các dự án có nguồn vốn tư nhân phải có quy định đánh giá tác động về mặt xã hội khi thu hồi đất của người dân, đảm bảo minh bạch, tránh lạm dụng gây bức xúc đối với người bị thu hồi đất.
Dự luật cũng cần quy định rõ ràng hơn điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển KT-XH đất nước. Tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh nhưng ngày mai lại mọc ra nhà, khu phố nằm trong khu chợ vừa xây dựng. Hay thu hồi đất để làm nơi chế biến nông sản nhưng 10-15 năm sau, khu này không còn hoạt động thì chuyển mục đích làm nhà ở hoặc khu dân cư…
Khu đô thị, nhà ở thương mại: Nên để chủ đầu tư tự thỏa thuận
Tôi đề nghị bỏ nội dung quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, làm nhà ở thương mại, vì đây là hoạt động kinh tế đơn thuần, do doanh nghiệp bất động sản thực hiện. Việc Nhà nước tham gia vào quá trình thu hồi đất để chuyển giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án có thể làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, tác động đến người sử dụng đất.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận |
Tôi đề nghị với dự án khu đô thị, nhà ở thương mại cần quy định theo hướng chủ đầu tư phải thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất theo hình thức nhận chuyển nhượng hay nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án nếu phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Trong thời gian qua, việc tranh chấp đất đai chủ yếu liên quan đến thu hồi đất để xây khu đô thị, nhà ở thương mại, nhiều dự án gây mất an ninh trật tự và là “điểm nóng” ở nhiều địa phương.
Thiếu tướng NGUYỄN VĂN THUẬN, Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ