Ông Nguyễn Đông Hy - Giám đốc Công ty TNHH Kim Đông Hy - cho biết, giá các mặt hàng hải sản nhập khẩu đã tăng theo tỷ giá VND/USD nên công ty phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ các loại hải sản nhập khẩu từ 5 - 10%; đợt tăng giá này khiến sức mua yếu hơn.
Tại các siêu thị Aeon Việt Nam, LOTTE Mart, Tops Market…, giá các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, Úc… cũng tăng. Tuy nhiên, đại diện một số siêu thị cho biết cố gắng chỉ điều chỉnh tăng giá nhẹ từ 3 - 5% một số nhóm hàng thực phẩm tươi sống như trái cây, hải sản, thịt… nhập khẩu.
USD tăng giá khiến các mặt hàng nhập khẩu chịu áp lực tăng giá. Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Theo đại diện LOTTE Mart Việt Nam, hệ thống nhập hàng liên tục nên tỷ giá VND/USD tăng đã tác động ngay đến giá hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt nguồn hàng từ Mỹ và một số nước châu Âu. Với những nhóm hàng đã được điều chỉnh giá trước đó do tác động của giá xăng, giá nguyên liệu đầu vào… thì siêu thị không tăng giá bán lẻ nữa. Riêng một số nhóm hàng có giá ưu đãi lâu nay thì đợt này tăng giá khoảng 3 - 5%.
Hiện giá bán lẻ một số loại rau củ, hải sản cao cấp nhập khẩu tại các siêu thị khá cao. Chẳng hạn bắp cải xanh, bông atiso nhập khẩu từ Úc 440.000 đồng/kg; bắp cải xoăn Úc 250.000 đồng/kg; bông cải xanh Úc 315.000 đồng/kg; bông cải tím hữu cơ 400.000 đồng/kg; cần tây Úc 210.000 đồng/kg; tôm hùm Canada 1,4 triệu đồng/kg; cua hoàng đế Na Uy 2 triệu đồng/kg; tôm hùm Úc 2,4 triệu đồng/kg; ốc vòi voi Canada 750.000 đồng/kg… Một số siêu thị cho biết so với nhóm thực phẩm khô thì giá những nhóm hàng thực phẩm tươi sống thường bị tác động bởi tỷ giá VND/USD ngay, tuy nhiên mức tăng giá bán lẻ đợt này không vượt quá 5%.
Với các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm ngoại nhập xách tay từ Mỹ, Pháp, Úc…, một số cửa hàng chuyên doanh nhóm hàng này thông báo áp dụng giá mới từ tháng 11 này. Một số sản phẩm tăng giá khá cao như: collagen (Mỹ) từ 600.000 đồng lên 700.000 đồng/hộp; kem dưỡng thể (Pháp) từ 350.000 đồng lên 410.000 đồng/hộp. Riêng những sản phẩm nhập khẩu từ Nhật thì giá vẫn ổn định.
Việc nhiều nhóm hàng hóa, thực phẩm nhập khẩu tăng giá khiến sức mua đang yếu lại càng yếu hơn. Đại diện chuỗi siêu thị Hải sản Hoàng Gia cho biết công ty nhập khẩu hải sản từ Canada, Mỹ, Úc, Hàn Quốc… thanh toán chủ yếu bằng USD nên hiện mỗi tháng phải chi thêm hơn 2 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên do sức mua khá yếu nên công ty chưa thể tăng giá bán lẻ. “Chúng tôi đang đàm phán với đối tác giảm giá cho đơn hàng mới hoặc chuyển sang thanh toán bằng ngoại tệ khác thay thế USD nhưng chưa nhiều đối tác đồng ý” - đại diện Hải sản Hoàng Gia cho hay.
Ông Trần Huỳnh Huy - Giám đốc hệ thống Meat Shop chuyên kinh doanh thịt nhập khẩu từ Mỹ, Úc - cho biết: Nhờ giá cước vận tải tàu đang giảm nên công ty cân đối, không tăng giá bán lẻ các mặt hàng thịt nhập khẩu. Với những lô hàng đã nhập khẩu trước đó, không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá VND/USD, công ty giảm giá bán lẻ khoảng 20% để kích cầu vì sức mua hiện nay thấp.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.2827741a-ehn-gnat-uahk-pahn-gnah-tam-ueihn-aig/nv.moc.enilnounuhp.www